Thông tin từ Phòng CSGT ĐB-ĐS (PC08-Công an TPHCM), trong 4 ngày tổng kiểm soát giao thông trên địa bàn TP từ ngày 15 - 19/5, tổng số phương tiện vi phạm là 5.223 trường hợp. Phạt tiền trên 1.499.000.000 triệu đồng, tước quyền sử dụng GPLX là 519 trường hợp, tạm giữ 863 phương tiện.
Một số lỗi vi phạm phổ biến như: Vi phạm quy định về nồng độ cồn, tốc độ; dừng, đỗ xe không đúng quy định; lưu thông không đúng làn đường; chở hàng quá khổ, quá tải, vi phạm quy định về đội mũ bảo hiểm, không có BHXM...
Từ ngày 15 - 19/5, tổng số phương tiện vi phạm là 5.223 trường hợp trên địa bàn TPHCM. |
Bên cạnh đó, lỗi vi phạm về nồng độ cồn trong 4 ngày tổng kiểm tra là 517 trường hợp, những trường hợp vi phạm về nồng độ cồn hầu hết chịu mức phạt gần “kịch trần” trong khung phạt quy định.
Trung tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng phòng CSGT ĐB-ĐS, Công an TPHCM cho biết, sẽ tiến hành tổng kiểm soát đối với các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, trong đó tập trung vào ô tô kinh doanh vận tải hành khách, ô tô vận tải container, ô tô con và xe máy trên các tuyến giao thông thuộc địa bàn các quận - huyện TPHCM.
Đợt kiểm tra này nhằm xử lý, giúp người dân nâng cao ý thức, tuân thủ các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm an toàn giao thông, đồng thời ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật như trộng cướp, gây rối trật tự..: góp phần đẩy lùi tội phạm.
Trong đợt tổng kiểm soát giao thông lần này có kiểm tra BHXM, chính vì thế nên số người mua bảo hiểm tăng cao. Tuy nhiên, một số người lại mua BHXM với giá chỉ 10.000 – 20.000đ tại các điểm bán vỉa hè mà chưa hiểu rõ về từng loại bảo hiểm, loại nào bắt buộc, loại nào tự nguyện cũng như lợi ích cụ thể của từng loại.
Bảo hiểm xe máy 10.000đ bán tràn lan trên các tuyến đường TPHCM. |
Người dân cần hiểu rõ từng loại bảo hiểm trước khi mua để tự nguyện tham gia vì tiện ích thực tế thay vì chỉ mua cho "đủ giấy tờ" như hiện nay.
Theo Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, tại điểm a, khoản 2, điều 21, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực sẽ bị phạt tiền từ 80.000 - 120.000đ.
Tại điểm b, khoản 4, điều 21 cũng quy định phạt tiền từ 400.000 - 600.000đ đối với người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.