Người nghèo mơ ước
Theo thống kê của huyện Bình Chánh, khu tái định cư Vĩnh Lộc B rộng hơn 30ha, có 45 block nhà 5 tầng với 1.939 căn hộ, hiện có gần 1.000 căn bỏ trống.
Năm 2016, gia đình bà Lan nằm trong số hàng nghìn hộ bị giải tỏa thuộc dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên, được bố trí vào ở khu tái định cư Vĩnh Lộc B. Bà Lan cho biết, do khu tái định cư cách khá xa trung tâm nên khi chuyển về đây sinh sống thì cả hai vợ chồng đều mất việc làm.
Nơi ở mới không người thân thích, công việc không có khiến hai vợ chồng bơ vơ nhiều tháng trời với suy nghĩ làm gì để lấp vào khoản chi mỗi tháng. Tìm hiểu xung quanh, thấy gần nhà có trường học, vợ chồng bà bảo nhau làm đồ ăn bán cho học sinh mỗi buổi sáng. Chiếc xe đẩy bán xôi, nước sâm của vợ chồng bà trở thành nguồn thu nhập chính cho cả gia đinh với mỗi ngày kiếm được non 200.000đ.
Có được kế mưu sinh, nhưng ở trong căn hộ chưa đầy 2 năm, vợ chồng bà Lan lại bận lòng với nỗi lo nhà xuống cấp. Nhiều mảng tường, nền nhà bong tróc, nứt nẻ. Mỗi khi nhà phía trên xả nước là ở các góc tường, trần nhà bà thấm đẫm nước, nhỏ xuống nền, không có cách nào khắc phục. Do ít người ở nên vỉa hè mặt tiền các căn hộ tầng trệt cỏ mọc um tùm, dây leo bò vào khu vực hành lang. Nhiều căn nhà khép cửa sắt gỉ sét, một số cửa chỉ khép hờ, không ổ khóa. Tại các hành lang, nhiều hộp cứu hỏa hư hỏng, cửa bung ra, mất bình chữa cháy. Các cống thoát nước bị vỡ nắp nằm lẫn lộn với cây cỏ, tạo nên "hố tử thần" rình rập người đi đường.
Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (Bình Chánh) vắng vẻ, không người ở, cỏ dại mọc khắp nơi. |
Còn tại Khu tái định cư Bình Khánh tại quận 2, TPHCM được xây dựng hoàn thành từ năm 2015, diện tích đất rộng 38,4ha và hàng chục block chung cư đồ sộ với 12.500 căn hộ. Thế nhưng, kể từ đó đến nay, nhiều block chung cư vẫn cửa đóng then cài và đang xuống cấp trầm trọng.
Chị Thường quê ở Nam Định, vào TPHCM bán cháo lòng gần 10 năm nay tại khu vực này cho biết: “Nhìn hàng ngàn căn nhà bỏ không ở đây mà tiếc đứt ruột. Nhà bỏ hoang, không có người ở nên nhanh xuống cấp quá. Với những người nghèo như tôi, đẩy xe cháo đi bán từ sáng sớm đến tối mịt mới về cũng chỉ đủ tiền lo cho hai đứa con ăn học với trả tiền trọ. Không biết bao giờ mới mua được nhà”.
Là một trong số rất ít gia đình dọn về đây sinh sống, ông Huỳnh Tấn Lộc cho biết, Khu tái định cư Bình Khánh nằm ngay trục đường Mai Chí Thọ rất đắc địa, nhưng vì giá bán nhà tái định cư ở đây khá cao nên nhiều người không đủ tiền mua, cuối cùng đành nhận tiền rồi tự tìm nơi ở mới.
“Ở đây thoải mái hơn nơi ở cũ về giao thông cũng như an ninh. Tuy nhiên, người dân tái định cư không tính được kế sinh nhai, bởi hạ tầng không phù hợp cho người dân làm ăn, buôn bán. Hơn nữa, người dân trước đây đã quen nếp sinh hoạt cũ, chưa quen với lối sống ở chung cư nên khu này hoang vắng lắm” - ông Lộc nói.
Cần có giải pháp
Báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, tính đến hết năm 2019, nguồn nhà ở, đất ở phục vụ tái định cư thuộc sở hữu Nhà nước trên địa bàn TPHCM là 9.434 căn hộ và 2.254 nền đất chưa sử dụng tại 163 dự án.
Trong đó, một số được quản lý để chờ bán đấu giá (gần 4.800 căn), số khác (hơn 2.000 căn) chờ bố trí tái định cư cho các dự án trong tương lai. Cụ thể, các dự án thuộc khu đô thị mới Thủ Thiêm hiện còn hơn 5.300 căn hộ tái định cư để trống thuộc các lô từ R1 - R7 trong khu tái định cư 38,4ha Bình Khánh; gần 1.000 căn hộ tại dự án tái định cư Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh), một chung cư ở quận 12 còn 320 căn; 220 căn hộ tại chung cư Tân Mỹ (quận 7); 470 căn hộ tái định cư tại quận Bình Thạnh (chưa bàn giao thực tế)...
Khu tái định cư Bình Khánh ở quận 2, TPHCM hoang hóa, xuống cấp. |
Ông Nguyễn Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Quản lý nhà và Giám định xây dựng, Sở Xây dựng TPHCM thông tin, trong năm 2020, số tiền TPHCM đồng ý chi trả để quản lý, vận hành, sửa chữa gần 10.000 căn nhà tái định cư đang bị bỏ trống là 71 tỷ đồng. Những năm trước, khoản chi này dưới hình thức Công ty Dịch vụ Công ích quận, huyện tạm ứng tiền để sửa chữa, vận hành.
“Báo cáo kiểm toán hoạt động đầu tư xây dựng, mua nhà, đất phục vụ tái định cư và công tác quản lý, bố trí quỹ nhà, đất tái định cư giai đoạn 2016 - 2020” của TPHCM do Kiểm toán Nhà nước công bố cũng cho thấy, TPHCM đang lãng phí hàng nghìn tỷ đồng với hơn một nửa số lượng quỹ nhà đất tái định cư dôi dư.
Theo báo cáo, trong khoảng thời gian 2004 - 2007, TPHCM có chủ trương đầu tư xây dựng 30.000 căn hộ phục vụ công tác tái định cư trên địa bàn và 12.500 căn hộ phục vụ công tác tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Một số dự án có thời gian đầu tư kéo dài, việc bố trí tái định cư chậm, chi phí vận hành cao, hiệu quả thấp, gây lãng phí nguồn vốn đầu tư từ ngân sách. Không có người ở thời gian dài làm công trình xuống cấp trầm trọng. Các hạng mục siêu thị, bệnh viện, trường học đã hoàn thành cũng không hoạt động được, gây lãng phí ngân sách. Công trình ngày một hoang hóa trong khi ngân sách vẫn phải chi cho việc quản lý, vận hành.
Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, việc dôi dư nhà tái định cư có nguyên nhân từ chính sách đền bù giải tỏa thay đổi do luật pháp thay đổi. Đối với số căn hộ còn trống, TPHCM đã đấu giá 5.022 căn và 43 nền đất. Vừa qua, các quận huyện đã đăng ký 2.576 căn hộ và 1.079 nền đất để phục vụ nhu cầu tái định cư trên địa bàn.
Trước thực trạng này, bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch HĐND TPHCM đề nghị Sở Xây dựng phải tính toán giải pháp để giải quyết số lượng căn hộ, nền đất tái định cư trống chứ không thể để kéo dài gây tốn kém ngân sách, hao hụt giá trị tài sản công như vậy được. Bà Thắng cho rằng không nên phải chăm chăm giữ nhà tái định cư trong khi không biết khi nào bố trí được, nhu cầu của người dân ra sao...