TPHCM loạn dự án "ma”, càng ngăn càng nở rộ

(khoahocdoisong.vn) - Dự án "ma” tại TPHCM đang có xu hướng tăng cả về số lượng lẫn mức độ công khai, kéo theo gia tăng tình trạng lừa đảo khách hàng. Trong khi đó, phương thức chế tài của cơ quan chức năng chưa đủ hữu hiệu ngăn chặn tình trạng này.

Nở rộ 

UBND phường Trường Thạnh, quận 9, TPHCM mới đây đã ra thông báo về việc tiếp nhận thông tin mua bán đất nền có dấu hiệu lừa đảo tại khu đất mặt tiền đường Lò Lu. Khu đất gồm các thửa đất số 559, 560 tờ bản đồ số 17 (nay được thành lập thửa đất mới là 1418), loại đất: trồng cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản. Bên bán là Công ty CP Thiết kế xây dựng Địa ốc Đại Phúc Real (972 Nguyễn Duy Trinh, phường Phú Hữu, quận 9, TPHCM), Giám đốc là ông Trần Minh Phụng, đã tham gia phân phối, mua bán đất nền với tên là khu dân cư cao cấp Long Phụng 1.

Qua kiểm tra, UBND phường Trường Thạnh xác định khu đất trên đã có sổ đỏ, nhưng chủ khu đất khẳng định không ủy quyền hay đồng ý cho ông Trần Minh Phụng và Công ty CP Thiết kế xây dựng Địa ốc Đại Phúc Real tham gia phân phối, mua bán những thửa đất trên. Nhận thấy sự việc có dấu hiệu lừa đảo, UBND phường Trường Thạnh thông báo đến nhân dân sinh sống trên địa bàn và các khu vực lân cận được biết để cảnh giác.

Còn tại quận Bình Tân, qua kiểm tra, rà soát trên các trang mạng và mạng xã hội (muaban, batdongsan, facebook, zalo…) cơ quan chức năng đã phát hiện quận có 9 lô đất đang được giới thiệu, quảng cáo, rao bán đất nền, nhà ở. Nhưng thực chất cả 9 lô đất này không đủ điều kiện về pháp lý, lại đang có dấu hiệu phân lô trái phép bán cho người dân tại 6 phường: An Lạc, Tân Tạo, Tân Tạo A, Bình Hưng Hòa A, Bình Hưng Hòa B, Bình Trị Đông A.

Tại quận Thủ Đức, Khu đất thuộc dự án Đại học Quốc gia TPHCM tại tổ 5, khu phố 6, phường Linh Trung, quận Thủ Đức cũng bị hai doanh nghiệp là Cty CP đầu tư Angle Lina (phường Đa Kao, quận 1) và Công ty bất động sản Hoàng Ân Group (phường Linh Trung, quậnThủ Đức) tự "vẽ" dự án khu dân cư và bán cho người dân…

Để đánh vào lòng tin, sự nhẹ dạ và sự thiếu hiểu biết các quy định trong đất đai của khách hàng, các công ty kinh doanh bất động sản “vẽ” dự án, và bất chấp chưa được phê duyệt, thiếu thủ tục pháp lý… tổ chức rao bán công khai. Hệ quả nhiều dự án sau khi bị chính quyền dừng, phạt, thậm chí khởi tố vụ án… thì các chủ đầu tư “bỏ chạy", không trả tiền cho khách hàng.

Người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các hình thức tư vấn, lôi kéo của một số “cò đất”.

Người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác trước các hình thức tư vấn, lôi kéo của một số “cò đất”.

Cần mạnh tay xử lý

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - cho biết, gần đây đã tái xuất hiện tình trạng phân lô bán nền tràn lan và các đợt sốt ảo giá đất tại một số địa phương. Trong đó, có nhiều khu đất nông nghiệp, đất không được quy hoạch là đất ở… đã bị phân lô tách thửa trái pháp luật để bán đất nền, dẫn đến nhiều người bị lừa đảo, thiệt hại rất lớn.

Theo ông Lê Hoàng Châu: “Dân số tăng nhanh, nhưng nhà ở (đảm bảo pháp lý) lại không nhiều, giá đắt. Với mong muốn có nhà ở, người dân tìm đến những dự án quảng cáo với giá rẻ, trong khi công tác quản lý địa bàn còn lỏng lẻo. Các đầu nậu đã lợi dụng đội ngũ môi giới, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo. Cả nước có khoảng 300.000 nhân viên môi giới, thì chỉ có khoảng 30.000 người có chứng chỉ hành nghề, cũng có nghĩa là chỉ có khoảng 10% nhân viên môi giới đã qua đào tạo, dẫn đến hoạt động môi giới bị thả nổi”.

Do vậy, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nhất là chính quyền các địa phương cần có biện pháp kiểm soát, ngăn chặn và xử lý nghiêm minh các trường hợp đầu nậu, doanh nghiệp núp bóng người sử dụng đất để thực hiện tách thửa, phân lô bán nền, huy động vốn trái pháp luật trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cần bổ sung Luật Kinh doanh bất động sản quy định về giá trị đặt cọc không vượt quá 5% giá tạm tính của sản phẩm bất động sản. Lý do, việc nhận đặt cọc với giá trị lớn cũng không phù hợp với quy định của Luật Kinh doanh bất động sản gây thiệt hại lớn cho người mua.

Đề nghị Bộ Xây dựng chỉ đạo các tỉnh - thành phố trực thuộc trung ương tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động môi giới bất động sản. Yêu cầu nhân viên môi giới phải được đào tạo và phải có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định của pháp luật thì mới được hoạt động dịch vụ môi giới. Song song đó, đề nghị quy định nhân viên môi giới phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và khách hàng về việc môi giới.

Với mong muốn ngăn chặn triệt để dự án “ma” hoành hành, theo kế hoạch, nhiều địa phương của TPHCM cũng đẩy mạnh tuyên truyền cho nhân dân. Chẳng hạn, quận Bình Tân tổ chức công khai quy hoạch và cảnh báo người dân tại những dự án xây dựng công trình công cộng. Nhưng cũng có trường hợp các đối tượng tháo bỏ bảng cảnh báo hoặc xịt sơn làm mất thông tin của chính quyền.

Tương tự, huyện Hóc Môn đang phối hợp với Đại học Bách khoa TPHCM xây dựng phần mềm cảnh báo, phát hiện hành vi phân lô, bán nền. Huyện Hóc Môn cam kết nếu tình hình quản lý đất đai mà còn phức tạp sẽ chịu trách nhiệm đối với UBND TPHCM. Để đẩy mạnh công tác siết các dự án “ảo”, huyện xử lý nhiều trường hợp thiếu tinh thần trách nhiệm trong quản lý. Theo lãnh đạo huyện Hóc Môn, huyện đã xử lý 14 trường hợp, trong đó có 5 cán bộ cấp xã. Tiếp tục xử lý 4 cán bộ buông lỏng quản lý.

Mới đây, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã chỉ đạo tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực đất đai, kinh doanh bất động sản, tiến hành rà soát các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Thực hiện ý kiến chỉ đạo trên, mới đây, UBND TPHCM đã chỉ đạo các sở - ngành, UBND các quận - huyện tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Theo đó, phải tiến hành khắc phục những bất cập, hạn chế việc thi hành pháp luật trong lĩnh vực đất đai, kinh doanh bất động sản. Bên cạnh đó, kịp thời thông báo cho các cơ quan có thẩm quyền về những bất cập, hạn chế trong các quy định pháp luật có liên quan.

Theo Đời sống
back to top