TPHCM: Lan nhanh bệnh tay chân miệng trong trường học

(khoahocdoisong.vn) - Mới chỉ kiểm tra sơ bộ tại quận Bình Thạnh, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM đã nhận thấy có đến 6 trường mầm non trên địa bàn quận có trẻ mắc bệnh tay chân miệng.

Bệnh lây lan nhanh

Theo bà Châu Nguyễn Thùy Dung, Hiệu trưởng Trường Mầm non 27 (phường 27, quận Bình Thạnh), bắt đầu từ ngày 11/9, Trường phát hiện 2 ca bệnh đầu tiên với những dấu hiệu đặc trưng như trẻ có nốt đỏ, bọng nước trên cánh tay. 2 trẻ này được bác sĩ xác định mắc tay chân miệng và được nghỉ học điều trị tại nhà 14 ngày. Để hạn chế dịch bệnh lây lan, nhà trường đã tăng cường vệ sinh, khử khuẩn tại lớp học có trẻ mặc bệnh, vệ sinh trường học. Tuy nhiên số ca bệnh vẫn tiếp tục tăng dần. Toàn trường hiện có 658 học sinh, trong đó có 24 trẻ mắc bệnh tay chân miệng, 19 trẻ trở lại đi học bình thường, 5 trẻ hiện vẫn được nghỉ điều trị cách ly tại nhà.

Theo bà Vũ Thị Tố Loan – Phó trưởng Phòng Giáo dục đào tạo quận Bình Thạnh phụ trách bậc Mầm non, trên địa bàn quận đã có 6 trường thông báo có ca bệnh, trong đó Trường mầm non 27 có nhiều nhất với 24 ca, 5 trường còn lại có từ 2 – 4 ca. Sau khi thực hiện các biện pháp khử khuẩn khống chế dịch, tại 5 trường còn lại đã không phát sinh thêm ca bệnh mới. Bà Loan nhận định:  “Khó khăn nhất trong việc phòng chống dịch là sự bất hợp tác của cha mẹ học sinh. Vẫn còn không ít phụ huynh tự cho con đi khám, khám xong có tâm lý giấu bệnh không cung cấp cho nhà trường hoặc giáo viên biết khiến bệnh lây lan sang các trẻ khác”.

Chỉ trong tháng 9/2019, toàn Thành phố ghi nhận 6.573 ca mắc tay chân miệng bao gồm cả nội trú lẫn ngoại trú, tăng gấp 2 lần so với tháng 8/2019. Tích lũy từ đầu năm đến cuối tháng 9, toàn Thành phố ghi nhận 14.990 ca bệnh tay chân miệng.

Nếu phụ huynh không hợp tác, bệnh sẽ còn lan rộng

Tại buổi kiểm tra trên địa bàn quận Bình Thạnh, bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm -  Trung tâm Phòng chống bệnh tật TPHCM nhận định, nếu không có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và nhà trường, giữa ngành giáo dục và ngành y tế chắc chắn dịch bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục lan rộng.

Phòng chống bệnh tay chân miệng quan trọng nhất vẫn là ngăn ngừa sự lây lan từ người sang người. Những biện pháp khác vẫn được khuyến cáo thường xuyên cần được quan tâm thực hiện như: sự tự giác của người dân, mỗi gia đình thường xuyên rửa tay cho trẻ, người lớn cũng rửa tay thường xuyên. Mỗi gia đình, trường học phải vệ sinh hàng ngày vật dụng đồ chơi của trẻ, cuối tuần thực hiện vệ sinh khử khuẩn. Trường hợp phát hiện bé có những triệu chứng nghi ngờ bị tay chân miệng như sốt, loét miệng, nổi mụn nước ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông đùi, đầu gối, nên đưa bé đến khám tại các cơ sở điều trị để được chẩn đoán đúng và hướng dẫn chăm sóc đúng

Hầu hết bệnh tay chân miệng đều nhẹ và sẽ tự khỏi nếu được phát hiện, điều trị sớm và đúng tại nhà. Tuy nhiên trong quá trình điều trị tại nhà, việc cần được quan tâm nhất là phát hiện sớm những dấu hiệu nặng của bệnh để đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời như bé đang ngủ bị giật mình, chới với, đi đứng loạng choạng hoặc trẻ sốt rất cao. Đồng thời, hạn chế không để trẻ tiếp xúc với những trẻ khác để tránh lây lan bệnh trong cộng đồng

Trong trường học, giáo viên được hướng dẫn tầm soát trẻ trước khi vào giờ học, giờ đón trẻ, phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ tay chân miệng thì ngay lập tức khuyến cáo phụ huynh đưa trẻ đi khám bệnh. Trong suốt thời gian trẻ sinh hoạt tại trường, cô giáo cũng được hướng dẫn phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ trẻ bị bệnh; cho trẻ rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy; Đảm bảo vệ sinh ăn uống, vệ sinh thực phẩm, hạn chế lây lan dịch bệnh.

Theo Đời sống
back to top