Bên cạnh đó, TPHCM cũng đề nghị xem xét bố trí đầy đủ và kịp thời vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương nhằm đảm bảo tiến độ thực hiện các dự án tại thành phố theo đúng các hiệp định đã cam kết với nhà tài trợ, sớm đưa dự án vào khai thác sử dụng, tránh làm phát sinh các chi phí cam kết, lãi phạt chậm thanh toán và các khiếu kiện của nhà thầu nước ngoài. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ TPHCM trong việc vận động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi cho các dự án ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông và môi trường có quy mô đầu tư lớn.
TPHCM kiến nghị sớm hoàn thiện định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA. |
TPHCM cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng duyệt đề xuất các dự án Đầu tư xây dựng tuyến metro số 3A (Bến Thành - Tân Kiên); Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng với biến đổi khí hậu tại lưu vực Tham Lương – Bến Cát; Cải thiện hệ thống thoát nước, nước thải và thích ứng biến đổi khí hậu tại lưu vực Tây Sài Gòn; Dự án quản lý tích hợp ngập lụt đô thị TPHCM và phê duyệt chủ trương đầu tư chương trình nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TPHCM, Đồng Nai và Bình Dương.
Đối với Bộ Tài chính, TPHCM kiến nghị Bộ hỗ trợ thành phố trong việc hoàn thành các thủ tục cần thiết để gia hạn, điều chỉnh các hiệp định vay đối với dự án xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên); metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương); dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2; dự án vệ sinh môi trường TPHCM - giai đoạn 2; dự án phát triển giao thông xanh TPHCM; dự án giảm thất thoát nước; tăng cường, mở rộng mạng lưới cấp nước và tăng cường thể chế cho Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn.
TPHCM kiến nghị các bộ ngành trung ương sớm hoàn thiện định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi giai đoạn 2021 - 2025, trình Thủ tướng phê duyệt. Các dự án ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông và môi trường có quy mô đầu tư lớn như nhiều tuyến đường sắt đô thị.