Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi bày tỏ vui mừng khi được đón tiếp Tổng thống Julius Maada Bio và Phu nhân đã dành thời gian đến TPHCM cũng như các địa phương miền Tây Nam Bộ nhân chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam.
Tổng thống Julius Maada Bio là lãnh đạo cấp cao đầu tiên đến thăm TPHCM khi Việt Nam mở cửa trở lại và là Tổng thống đầu tiên của Sierra Leone thăm TPHCM.
Chủ tịch Phan Văn Mãi chia sẻ, đối với TPHCM, năm 2022 có ý nghĩa quan trọng vì là năm đặt tiền đề cho giai đoạn phát triển 2023 - 2025 như đã đề ra trong Kế hoạch phục hồi kinh tế xã hội 2022 - 2025 của Thành phố.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch Phan Văn Mãi đề xuất hai bên tăng cường trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm cơ hội hợp tác trong các lĩnh vực.
Về kinh tế, TPHCM hy vọng Tổng thống và Chính phủ Sierra Leone tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, doanh nghiệp TPHCM nói riêng đẩy mạnh đầu tư kinh doanh tại Sierra Leone.
TPHCM cùng tiếp tục đề xuất các cơ chế, sáng kiến cung cấp thông tin, hợp tác mới, phù hợp với các khuôn khổ hợp tác mà các bộ, ngành hai nước đã ký kết trong chuyến thăm lần này.
Chính quyền TPHCM sẽ luôn chào đón và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Sierra Leone.
Về nông nghiệp, Chủ tịch UBND TPHCM đề xuất tiếp tục tăng cường các kênh để thúc đẩy mô hình hợp tác Nam - Nam. Đây là mô hình các quốc gia đang phát triển hỗ trợ lẫn nhau là sáng kiến do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đưa ra năm 1996.
Việt Nam được FAO đề nghị tham gia vào mô hình này nhằm hỗ trợ cho các nước châu Phi từ năm 2005 (hỗ trợ lương thực, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm,…).
Về Khoa học - Công nghệ, TPHCM và Sierra Leone có thể thiết lập kênh trao đổi để có thể giao lưu, chia sẻ, học hỏi thêm kinh nghiệm lẫn nhau trong việc quản lý, vận hành khu công nghệ cao, đặc biệt sau chuyến thăm của Tổng thống đến Khu Công nghệ cao TPHCM.
Về nguồn cung hàng tiêu dùng, TPHCM là một trong những trung tâm sản xuất hàng tiêu dùng lớn của Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực như dệt may, da giày, thực phẩm,….
Nhiều doanh nghiệp hàng tiêu dùng lớn nằm trên địa bàn TPHCM như Công ty Pouyuen (da giày), Vissan, Vinamilk, Masan (thực phẩm),… TPHCM hết sức quan tâm đến khả năng đẩy mạnh xuất khẩu để trở thành một trong những nguồn cung đối với những mặt hàng Sierra Leone có nhu cầu.
Tổng thống nước Cộng hoà Sierra Leone cho biết, Sierra Leone rất quan tâm về kỹ thuật nuôi trồng và sản xuất nông nghiệp, thủy sản, lúa gạo và cây trồng trong chuyến đi lần này.
Sierra Leone mong muốn tăng cường hợp tác giữa các nông dân, học tập kinh nghiệm từ Việt Nam để có thể tự cung cấp lúa gạo trong nước thay vì nhập khẩu đa số như hiện nay. Tổng thống Julius Maada Bio hy vọng sắp tới sẽ có thể tiến hành nhập lúa gạo từ Việt Nam.
Đặc biệt, Sierra Leone mong muốn hợp tác với TPHCM về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, chính phủ điện tử để có thể giúp Sierra Leone rút ngắn khoảng cách với sự phát triển của thế giới.
Tổng thống Julius Maada Bio cho rằng hai quốc gia có nhiều tiềm năng hợp tác, đặc biệt ở lĩnh vực thương mại đầu tư, nông nghiệp và khoa học công nghệ.
Cộng hòa Sierra Leone là quốc gia nhỏ thuộc Tây Phi, diện tích 71.740 km2, dân số khoảng 8 triệu người. Tổng thống Julius Maada Bio lên nắm quyền từ 2018. Việt Nam và Sierra Leone thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 24/6/1982. Năm 2022 là năm kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ giữa ta và Bạn.