Quyết định khó khăn
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, ngay sau khi nghe báo cáo về phát hiện 2 ca dương tính Covid-19 đến khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (26/5), Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đang họp đã phải ngưng hết để bàn biện pháp chống dịch.
Ngay khi biết nguồn gốc ca nhiễm liên quan đến tụ điểm của nhóm truyền giáo, lãnh đạo thành phố nhanh chóng thống nhất áp dụng nội dung Chỉ thị 15 toàn thành phố. Và áp dụng Chỉ thị 16 (phong tỏa) đối với những khu vực có ca nhiễm (F0) trọng tâm, trọng điểm.
Có nghĩa là không mặc chung “chiếc áo giãn cách” cho toàn thành phố vì không thể xét nghiệm tầm soát cho tất cả - ông nhấn mạnh.
Thực tế, tại thời điểm đó (cuối tháng 5, đầu tháng 6/2021), thành phố không có đủ năng lực, phương tiện để thực hiện một cuộc xét nghiệm lớn, cũng chưa có xét nghiệm nhanh.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, ngay đêm đầu phong tỏa quận Gò Vấp, đã lấy tới 40.000 mẫu, nhưng năng lực trả kết quả của thành phố chỉ hơn 10.000.
Cứ như thế, mẫu xét nghiệm bị ứ đọng ngày càng nhiều, trả kết quả xét nghiệm càng chậm, lúc cao điểm số lượng lấy mẫu quá lớn, thời gian và số lượng trả kết quả càng bị ứ đọng nhiều hơn, nên kết quả xét nghiệm bị giảm giá trị, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho biết.
Thành phố có lúc nhận chỉ tiêu xét nghiệm 500.000 mẫu một ngày (phấn đấu hơn một triệu), sau đó huy động hết lực lượng làm tối đa nhưng cũng chỉ là vài trăm ngàn mẫu mỗi ngày. Nhưng năng lực trả kết quả vẫn không thể đáp ứng.
Khi tốc độ xét nghiệm không thể theo kịp tốc độ và chu kỳ lây nhiễm, dù các khu phong tỏa cũng liên tục tăng lên, nhưng không thể ngăn chặn số ca lây nhiễm.
Có thể hiểu được sự bối rối, lúng túng của thành phố trước những diễn biến quá nhanh của dịch bệnh.
Thực trạng đó đã đẩy lãnh đạo TPHCM đứng trước những lựa chọn hết sức khó khăn, cũng như áp lực vô cùng lớn. Người đứng đầu thành phố lớn nhất và cũng là đầu tàu kinh tế của cả nước đã nhiều đêm mất ngủ...
“Lúc đó chưa có thuốc điều trị, TPHCM đã xây dựng bệnh viện dã chiến để tập trung các F0 về đó nhưng tập trung xong ngồi đó ngó, ai khoẻ thì vượt qua, ai mệt thì đi bệnh viện”, Bí thư Nguyễn Văn Nên cho hay.
Ông chia sẻ, khi ấy TPHCM đột ngột phải đối mặt với một kẻ địch lạ vô cùng nguy hiểm, trong khi trong tay lại thiếu “vũ khí” là thuốc chữa trị và văcxin…
Quyết định giãn cách để xét nghiệm phát hiện ca nhiễm (F0) ngăn chặn kịp thời sự lây lan, nhưng lúc đó "vũ khí chiến đấu" không phù hợp" (chưa sử dụng test nhanh), Bí thư Nguyễn Văn Nên bày tỏ với Khoa học và Đời sống.
"Hai mũi giáp công”
Thêm một khó khăn khác là TPHCM là một siêu đô thị, dân số rất đông, mười mấy triệu người, mật độ nhiều nơi dày đặc. Khảo sát thời điểm đó cho thấy, riêng quận Bình Tân cần di chuyển hơn 100.000 người để giãn cách, nhưng không nơi nào đủ sức chứa. Một loạt địa phương khác như quận Bình Chánh, quận 4, quận 8 cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
TPHCM là đầu tàu kinh tế, giao thương khu vực và quốc tế, là trung tâm của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nên mọi quyết định giãn cách dù cấp độ nào cũng không đơn giản.
Đặc biệt, khi các chuyên gia còn chưa hình dung, các nước từng trải nghiệm, cũng chưa hiểu biết sâu về tác động và sức tàn phá khủng khiếp của biến thể Delta.
Theo Bí thư Nguyễn Văn Nên, khi Nghị quyết 86 của Chính phủ giao trọng trách cho TPHCM “phấn đấu đến trước 15/9/2021 kiểm soát được dịch bệnh Covid-19”, nhìn lại thực lực và diễn biến tình hình, thành phố mạnh dạn báo cáo đề xuất cấp thẩm quyền cho áp dụng biện pháp cao hơn (lúc đó đang áp dụng Chỉ thị 16), là tình trạng khẩn cấp.
Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo Quốc gia chỉ đồng ý áp dụng các biện pháp nâng cao và tăng cường lực lượng (Quân đội, Công an) trực tiếp hỗ trợ, “không đồng ý ban bố tình trạng khẩn cấp".
Thay vào đó, Ban Chỉ đạo Quốc gia đã cùng TPHCM chỉ đạo trực tiếp sâu sát, quyết liệt và hiệu quả. Đặc biệt trong việc Ban Chỉ đạo Quốc gia huy động và tăng cường các lực lượng từ trung ương, sử dụng kit test nhanh cho thành phố.
Đồng thời, Bộ Y tế tăng cường hàng chục ngàn y bác sĩ, xây dựng 4 đơn vị Bệnh viện dã chiến, Bạch Mai, Trung ương Huế, Việt Đức, Chợ Rẫy hỗ trợ điều trị tầng 3, tầng 4… Cùng với đó lực lượng quân y xuống tận từng “pháo đài” lập ra hơn 500 đội y tế lưu động lo điều trị F0 tại cơ sở…
Do đó, TPHCM đã hình thành và kết hợp “hai mũi giáp công”, từng bước kéo giảm ca nhiễm, ca nặng, ca tử vong và kiểm soát được dịch bệnh.
Trước đó, ngày 14/5, tức là trước khi bầu cử đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp xúc cử tri huyện Củ Chi, TPHCM.
Tại buổi tiếp xúc này, đánh giá về đề án điều chỉnh tỷ lệ điều tiết, cho phép trong giai đoạn 2022 - 2025, TPHCM được giữ lại 23% ngân sách đã thu (thay vì 18% như hiện nay), Chủ tịch nước cho biết, ông hoàn toàn ủng hộ đề xuất này.
“Để lại cho TPHCM 1 đồng, TPHCM có thể tăng 2 - 3 đồng cho ngân sách Trung ương” - Chủ tịch nước nói.
Tại cuộc giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội ngày 12/10 mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải nhanh chóng tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TPHCM trong giai đoạn 2022 - 2025.
Vài tháng sau đó, ngày 12/10, tại buổi giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM, Chủ tịch nước một lần nữa nhắc lại quan điểm này.
Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu Quốc hội, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách lên 23% ngay trong năm 2022, để thành phố có thêm nguồn lực phục hồi, thúc đẩy cho đầu tàu kinh tế cả nước.
Quan điểm “có thêm nguồn lực phục hồi” của Chủ tịch nước, cũng có phần liên hệ tới nỗi niềm mà Bí thư Thành ủy TPHCM thận trọng không nhắc tới.
Có thể đặt giả định, thời điểm ấy, nếu lập tức có phản ứng mạnh, đưa ngay vài chục nghìn nhân viên y tế, vài chục nghìn bộ đội vào phong tỏa, “đóng băng” thành phố, sử dụng test nhanh, dập dịch thì có thể ngăn chặn dịch lây lan diện rộng.