Bệnh viện “xanh” đầu tiên khám bệnh nhân không nhiễm Covid-19
TPHCM bước sang giai đoạn mới, chuẩn bị thích ứng một cách linh hoạt để sống chung với Covid-19.
Một bệnh nhân cho biết: “Mấy tháng ở nhà, tôi chỉ mua thuốc uống. Nay tôi được đến bệnh viện, các bác sĩ trực tiếp khám, chỉ định làm các xét nghiệm máu, điện tim… nên rất yên tâm”.
Bệnh viện Quận 7 vốn có công suất 140 - 150 giường bệnh nội trú và khám ngoại trú 1.200 - 1.300 ca/ngày. Nhưng, trong thời gian dịch bệnh, số bệnh nhân đi khám ngoại trú chỉ còn chừng 100 bệnh nhân. Theo TS.BS Nguyễn Thế Vũ, Phó Giám đốc điều hành Bệnh viện Quận 7, trong 2 tháng rưỡi qua, Bệnh viện Quận 7 đã điều trị hơn 1.300 bệnh nhân Covid-19, trong đó 45% đã khỏi bệnh, 34% giảm triệu chứng chuyển đến cơ sở y tế khác.
Thời gian qua, công tác điều trị bệnh khác có một số trở ngại do người dân ở khu cách ly, phong tỏa; hơn nữa tâm lý sợ nhiễm Covid-19… Khi triển khai "bệnh viện xanh" theo chỉ đạo của Sở Y tế TPHCM, Bệnh viện Quận 7 sẽ tiếp nhận điều trị các bệnh nhân không nhiễm Covid-19, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, cũng như người dân các vùng lân cận.
Khi đi khám tại “bệnh viện xanh”, người nhiễm Covid-19 có giấy chứng nhận hoàn thành cách ly; đã tiêm văcxin ngừa Covid-19 đủ 2 mũi, thời gian mũi 2 là sau 14 ngày; có giấy xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 từ 2 - 3 ngày... không cần khám sàng lọc.
Để đảm bảo an toàn cho người bệnh, Sở Y tế TPHCM yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị phục hồi công năng phải rà soát cơ sở vật chất, vệ sinh khử khuẩn toàn bệnh viện theo quy định, tuân thủ Bộ tiêu chí bệnh viện an toàn phòng chống dịch Covid-19 và các dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp của Bộ Y tế và Khuyến cáo triển khai các hoạt động phòng chống dịch trong bệnh viện của Sở Y tế TPHCM, sắp xếp lại nhân lực, trang thiết bị…
Lộ trình quay lại khám chữa bệnh thông thường
Theo TS.BS Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM, "bệnh viện xanh" là bệnh viện không phải điều trị Covid-19, an toàn trong phòng chống Covid-19. Bệnh viện an toàn phải phân luồng bệnh nhân, tránh để lây lan dịch bệnh.
Tuy nhiên, TS.BS Vĩnh Châu nhấn mạnh, bệnh viện điều trị bệnh nhân không Covid-19 vẫn phải luôn chuẩn bị 10 - 20 giường, có oxy sẵn sàng tiếp nhận những bệnh nhân Covid-19 cần cấp cứu, hồi sức và sau đó chuyển sang bệnh viện điều trị Covid-19.
Tổng cộng 95 bệnh viện trên địa bàn TPHCM đã và đang tham gia điều trị Covid-19. Ngành Y tế TPHCM đã huy động nhiều loại hình bệnh viện khác nhau trong “cuộc chiến” với Covid-19 kéo dài gần 5 tháng qua như: bệnh viện dã chiến, bệnh viện tách đôi, bệnh viện chuyển đổi công năng toàn phần…; cũng như huy động nguồn nhân lực từ tất cả bệnh viện trên địa bàn tham gia công tác thu dung và điều trị Covid-19.
Khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, theo TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, các bệnh viện sẽ chuẩn bị một lộ trình phục hồi lại công năng ban đầu nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh thông thường cho người dân, nhưng phải tích hợp một cấu trúc và quy trình hoạt động mới, đảm bảo thực hiện 2 chức năng trong trạng thái bình thường mới, đó là khám, chữa bệnh đa khoa hay chuyên khoa nhưng phải luôn sẵn sàng ứng phó hiệu quả với dịch bệnh.
Theo đại diện của Sở Y tế TPHCM, ngành y tế còn phải đảm bảo khi xây dựng lộ trình chuyển đổi về công năng ban đầu cho các bệnh viện, các quận, huyện phải luôn có sẵn phương án tiếp nhận và thu dung điều trị F0 có triệu chứng.
Đồng thời, để hạn chế việc phải chuyển người bệnh F0 đi nhiều bệnh viện khác nhau. Do đó, ngành y tế sẽ xây dựng mô hình “bệnh viện dã chiến 3 tầng” thích ứng với hoàn cảnh mới. Theo đó, các bệnh viện dã chiến số 13, số 14 và số 16 cùng với các trung tâm hồi sức kế cạnh (hiện nay là do các bệnh viện Việt Đức, Bạch Mai và Trung ương Huế đảm trách) sẽ đảm trách mô hình này khi TPHCM đã kiểm soát được dịch.