TPHCM: Dịch vụ đòi nợ thuê hoạt động “biến tướng”

(khoahocdoisong.vn) - Công an TPHCM xác định, 99% công ty đòi nợ thuê cấu kết băng nhóm xã hội đen, cho người xăm trổ, đầu trọc, nói năng vô lễ trấn áp tinh thần người dân.

Núp bóng đòi nợ thuê để hoạt động “Tín dụng đen”

Mới đây, hơn chục người cơ bắp, xăm trổ... tập trung trước trụ sở một công ty trên đường Nguyễn Trãi, quận 1, TP HCM. Trong đó, một số người đi ôtô dán logo công ty thu hồi nợ có trụ sở ở huyện Bình Chánh, những người còn lại đi xe máy. Họ nói khá to, đề nghị chủ doanh nghiệp ở đây trả số tiền hơn 3 tỷ đồng cho đối tác - người đã uỷ quyền cho công ty thu hồi nợ.

"Tụi tui hành nghề hợp pháp, ăn xong là chỉ đi đòi nợ. Công ty nên trả tiền sớm chứ để tụi tui đến hoài như vầy không làm ăn gì được đâu" - người đàn ông nhận là đại diện công ty thu hồi nợ, nói. Công an quận 1 có mặt ngay sau đó. Tuy nhiên, đại diện công ty thu hồi nợ cho rằng "chỉ đến đây uống cà phê", những thanh niên xăm trổ nói không phải nguời của công ty đòi nợ mà chỉ "đi uống nước với bạn". Không có chứng cứ nhóm người này mất an ninh trật tự, sự việc cũng như chưa gây hậu quả nên cảnh sát không thể xử lý, chỉ yêu cầu giải tán đám đông.

Trước đó, Công an quận 1 cũng lập hồ sơ một số công ty đòi nợ có dấu hiệu gây rối. Tuy nhiên, "công thức" lặp lại là chỉ một, hai người có giấy tờ hợp lệ của công ty, nhưng nhóm thanh niên đi chung nói "vừa nghỉ việc" và đến đây "chơi với bạn" chứ không tham gia đòi nợ.

Theo thượng tá Nguyễn Đăng Nam -Trưởng Phòng cảnh sát Hình sự - PC02, Công an TP.HCM, dịch vụ đòi nợ thuê thuộc ngành nghề kinh doanh nhạy cảm, các quy định về hoạt động rất chặt chẽ, nhân viên công ty buộc phải có trình độ, có đạo đức và lối sống lành mạnh. Nhưng hầu hết các doanh nghiệp đòi nợ thuê đều có dấu hiệu cấu kết băng nhóm sử dụng chiêu trò, kéo đám đông tụ tập trước cơ sở kinh doanh hay nhà riêng của khách nợ làm mất uy tín của họ.

"Những người đi thu nợ toàn xăm trổ, đầu trọc, nói năng vô lễ gây sức ép, trấn áp tinh thần làm người dân hoảng sợ. Hầu hết mục tiêu của các công ty là nhắm đến người thân của khách nợ - đối tượng không liên quan, chứ người nợ đã bỏ trốn" - thượng tá Nguyễn Đăng Nam cho biết.

Hay như vụ việc xảy ra tại quán phở Hòa (260C Pasteur, phường 8, quận 3, TPHCM) vào sáng 31/7, hàng chục thực khách, trong đó có cả khách nước ngoài đang ăn điểm tâm tại đây đã tháo chạy tán loạn khi có bốn thanh niên xuất hiện, tạt sơn và mắm tôm vào quán rồi bỏ chạy. Vụ việc không chỉ xảy ra lần đầu, mà trước đó, vào tối 30/7, quán phở nổi tiếng này cũng bị một nhóm thanh niên tạt sơn đỏ.

Nguyên nhân phở Hòa Pasteur bị quấy phá, theo ông Linh (chủ quán phở Hòa) là do hơn một tháng qua có nhiều nhóm người đến quán tìm em rể của ông để đòi nợ. Ông Linh khẳng định người em rể này có công việc kinh doanh riêng, không liên quan gì đến quán phở, nhưng nhóm người đòi nợ lại buộc gia đình phải có trách nhiệm trả nợ thay và gia đình đã từ chối sự áp đặt vô lý này.

Kiến nghị cấm kinh doanh đòi nợ thuê

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến vừa ký văn bản số 3548/UBND-KT gửi Bộ Tài chính báo cáo tình hình, kết quả công tác quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê trên địa bàn TPHCM. Văn bản cho biết, tính đến hết quý I/2019, trên địa bàn thành phố có 45 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Trong đó, có đến 42 công ty trong nước và 3 công ty có yếu tố người nước ngoài, tổng số người làm nghề này là 711 người, gồm 706 người Việt Nam, 5 người nước ngoài.

Theo đó, tổng số nợ mà các công ty đòi nợ được nhận ủy quyền “lấy dùm” là hơn 362,370 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng số nợ đã đòi được theo ủy quyền chỉ có khoảng 2.035 tỷ đồng. Văn bản cũng cho biết, qua kiểm tra đột xuất 2 doanh nghiệp trong tổng số các công ty đòi nợ, Công an TPHCM đã phát hiện vi phạm và xử phạt hành chính với số tiền 3 triệu đồng. Không chỉ vậy, qua đơn phản ánh, lực lượng chức năng cũng đã phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 1 trường hợp với số tiền là 1,5 triệu đồng.

Theo UBND TPHCM, tình hình tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn Thành phố diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự. Các đối tượng “núp bóng” các doanh nghiệp có chức năng cho vay tài chính, dịch vụ đòi nợ, tạo vỏ bọc để tổ chức hoạt động cho vay “tín dụng đen”  nhằm thu lợi bất chính.

Trường hợp nếu các con nợ không trả, những công ty đòi nợ thường sử dụng nhân viên hoặc thuê các đối tượng hình sự tiến hành đòi nợ trái pháp luật làm sợ hãi hoặc gây hoang mang, thiệt hại kinh tế, mất uy tín cho nạn nhân và gia đình nạn nhân.

Ngoài ra, hiện nay các công ty đòi nợ thuê đã biến tướng thành lập thêm pháp nhân công ty bảo vệ, khi tiến hành đòi nợ thuê thì sử dụng nhân viên bảo vệ tham gia để gây áp lực khách hàng, dẫn đến khó khăn trong công tác xử lý hành chính của cơ quan chức năng.

Trong khi đó, UBND TPHCM cho rằng, quan hệ nợ là hợp đồng dân sự hoặc hợp đồng kinh tế. Khi có tranh chấp, các bên tham gia tự thoả thuận hoặc để toà án giải quyết. Nhà nước đã có đầy đủ hệ thống luật pháp, cơ quan bảo vệ, thi hành pháp luật, như: Toà án, Viện Kiểm sát, Thi hành án… Đối với các vụ việc đã có quyết định, bản án của toà án có hiệu lực pháp luật thì cơ quan thi hành án, thừa phát lại… là cơ quan có thẩm quyền thi hành.

Mặt khác, việc cho phép hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoạt động hợp pháp vô tình là kẻ hở để một số đối tượng (hoạt động đòi nợ thuê, xã hội đen…) lợi dụng núp bóng đầu tư, hoạt động qua hình thức cấu kết giữa các công ty tài chính, công ty đòi nợ và các đối tượng hình sự, các băng nhóm tại địa phương gây hệ quả phức tạp về an ninh trật tự.

Do đó, UBND TPHCM đã kiến nghị Bộ Tài chính trình Chính phủ đưa loại hình kinh doanh dịch vu đòi nợ thuê vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh. Trường hợp không đưa loại hình kinh doanh này vào danh mục ngành, nghề cấm kinh doanh, kiến nghị Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 104/2007/NĐ-CP.

Theo Đời sống
back to top