Theo chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, thành phố là địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 lần thứ tư, kinh tế- xã hội và mọi mặt đời sống bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng.
Mặc dù vậy, năm 2022, thành phố sẽ cố gắng phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng từ 6-6,5% và thực hiện đồng bộ tám nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.
Có bốn nhóm nhiệm vụ, giải pháp thành phố sẽ tập trung thực hiện. Đây cũng là những vấn đề TPHCM kiến nghị Trung ương quan tâm chỉ đạo và hỗ trợ trong quá trình tổ chức thực hiện.
Thứ nhất, thành phố sẽ triển khai Chiến lược tổng thể về phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ phù hợp với thực tiễn của địa phương. Quan trọng nhất là tập trung giám sát và xử lý tốt với biến chủng mới Omicron.
Theo đó, thành phố triển khai thực hiện chiến lược y tế trên địa bàn, với sáu giải pháp trọng tâm như bao phủ vaccine; kiểm soát, cảnh báo dịch bệnh; quản lý, chăm sóc F0 tại nhà, điều trị F0 tại bệnh viện, truyền thông nâng cao nhận thức thay đổi hành vi và nâng cao năng lực phòng, chống dịch và năng lực của hệ thống y tế cơ sở.
Hai là triển khai kế hoạch phục hồi kinh tế, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh và triển khai các chương trình phát triển kinh tế ở các lĩnh vực.
Thành phố đã ban hành chương trình phục hồi kinh tế gồm hai giai đoạn: Giai đoạn 1 trong năm 2022; giai đoạn 2 từ 2023-2025. Trong đó, năm 2022 tập trung phục hồi sản xuất kinh doanh, khôi phục lại những gãy đổ của chuỗi sản xuất, cung ứng, giúp cho doanh nghiệp phải tập ngưng hoạt động tái ra nhập thị trường, nhất là doanh nghiệp nhóm ngành du lịch bị gãy đổ rất nghiêm trọng trong thời gian vừa qua.
Thứ ba, tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng chính quyền đô thị gắn với mục tiêu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tiếp tục tháo gỡ những bất cập để hấp thụ có hiệu quả các nguồn vốn.
Thứ tư, TP. HCM sẽ tập trung nguồn lực để triển khai các dự án phát triển hạ tầng giao thông như Metro 1, Metro 2, cao tốc TP.HCM- Mộc Bài, Vành đai 3.