TPHCM: Chưa thu phí ô tô vào khu vực trung tâm

(khoahocdoisong.vn) - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - ông Trần Quang Lâm - cho biết, hiện dự án chỉ ở bước đề xuất, xin chủ trương nghiên cứu.

Ùn tắc giao thông tại TPHCM.

Theo ông Lâm, hiện dự án chỉ ở bước đề xuất, xin chủ trương nghiên cứu. Khi được UBND TPHCM đồng ý bố trí vốn, Sở GTVT lập nghiên cứu tính khả thi để xác định làm hay không làm, tiếp đó bổ sung dự án vào danh mục dự án đầu tư công để trình HĐND thành phố thẩm định, xem xét. Nếu được HĐND thành phố thông qua chủ trương, đơn vị được giao làm chủ đầu tư sẽ đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn có năng lực tiến hành khảo sát, lập báo cáo nghiên cứu khả thi theo quy định.

Cũng theo người đứng đầu ngành giao thông thành phố, ùn tắc không chỉ xảy ra ở TPHCM mà còn xảy ra tại 463 thành phố của 53 quốc gia. Ở châu Á có 20 thành phố kẹt xe trầm trọng, trong đó có Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia) và họ cũng đang tìm giải pháp.

Ông Lâm cho rằng, rất khó để trả lời câu hỏi “bao giờ hết kẹt xe ở TP.HCM?”. Một giải pháp đơn lẻ như thu phí ô tô vào nội đô thì không giải quyết được vấn đề mà phải kết hợp nhiều giải pháp như phát triển hạ tầng, tổ chức lại không gian đô thị, phát triển giao thông công cộng và cả giải pháp hỗ trợ “đánh vào” nhu cầu sử dụng xe cá nhân.

Về lý do Sở GTVT đề xuất thu phí ôtô vào trung tâm thành phố, ông Lâm viện dẫn tính toán của Viện nghiên cứu giao thông là, so với xe buýt, ôtô chiếm mặt đường gấp 8,5 lần còn xe máy chiếm gấp 5 lần. Nếu thông qua bề mặt cắt ngang chạy trên làn đường thì xe máy tương đương với xe buýt - chiếm khoảng 14.000 lượt người mỗi giờ; còn ôtô chỉ có 2.000 lượt người mỗi giờ. Như vậy, ôtô chiếm dụng mặt đường nhiều và khả năng lưu thông kém nhất.

Trên cơ sở lấy ý kiến Hội đồng tư vấn giao thông đô thị và tìm hiểu thực tế ở nước ngoài, Sở GTVT đã đề xuất UBND TPHCM đầu tư 250 tỷ đồng ngân sách làm 34 cổng thu phí ô tô vào khu vực trung tâm tại quận 1, 3 và giáp ranh quận 5, 10. Vành đai thu phí bao gồm các tuyến đường: Hoàng Sa (dọc kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè) - Nguyễn Phúc Nguyên giao với Cách mạng Tháng Tám - Ba Tháng Hai - Lê Hồng Phong - Lý Thái Tổ - Nguyễn Văn Cừ - Võ Văn Kiệt - Tôn Đức Thắng.

Bên cạnh đó, TPHCM cũng thực hiện các giải pháp khác trong Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giai đoạn 2016-2020. Hiện đề án đã được giao Sở Kế Hoạch – Đầu Tư chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan xem xét báo cáo UBND TPHCM.

Dự kiến đến năm 2021, khi đường Vành đai 2, tuyến metro số 1 và tuyến BRT số 1 đi vào hoạt động, các công trình giao thông lớn hoàn thành, phát triển vận tải hành khách công cộng… thì lúc đó mới triển khai thực hiện đề án thu phí xe ô tô vào trung tâm TPHCM.

Theo Đời sống
back to top