TPHCM: 9 tháng phạt 15 tỷ đồng các cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

(khoahocdoisong.vn) - Trong 9 tháng đầu năm 2020, TPHCM đã thanh tra, kiểm tra 37.398 cơ sở, trường hợp; phát hiện vi phạm 3.653 cơ sở, trường hợp (9,77%), phạt tiền 1.196 cơ sở với tổng số tiền hơn 15 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ban Quản lý An toàn Thực phẩm (ATTP) TPHCM, bên cạnh một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và tồn tại của hệ thống sản xuất, kinh doanh về quy mô, chất lượng... tình trạng sử dụng nguyên liệu thực phẩm không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng, chất phụ gia thực phẩm nằm ngoài danh mục, chất cấm trong chăn nuôi, sản xuất, chết biến, kinh doanh thực phẩm vẫn còn tồn tại.

Ban Quản lý ATTP tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là loại hình có nguy cơ cao gây mất ATTP, lấy mẫu xét nghiệm, từ đó có hướng xử lý cơ sở vi phạm và cảnh báo kịp thời đối với người tiêu dùng.

Xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn trên địa bàn TPHCM.

Xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn trên địa bàn TPHCM. 

Với mục tiêu “Xây thực phẩm sạch, chống thực phẩm bẩn trên địa bàn TPHCM”, 9 tháng năm 2020, các Sở - ban - ngành, UBND 24 quận huyện và các đoàn thể đã triển khai công tác quản lý đảm bảo ATTP như công tác thông tin giáo dục truyền thông, công tác thanh tra kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm ATTP.

Ngoài ra, TPHCM cũng triển khai công tác giám sát lấy mẫu; công tác thanh tra, kiểm tra chặt chẽ và rộng khắp nhằm kiểm soát, đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Đặc biệt, đối với phát triển mạng lưới chợ truyền thống đáp ứng các tiêu chí, yêu cầu về điều kiện đảm bảo ATTP, Ban Quản lý ATTP triển khai xây dựng “Dự án mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” và tổ chức tập huấn công tác đảm bảo ATTP tại chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn. 

Báo cáo số 1881 của Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP TPHCM cho biết, TPHCM đã xây dựng và triển khai thực hiện các Dự án, Đề án, Chương trình đảm bảo ATTP. Trong đó, đến nay, Ban Quản lý Đề án “Chuỗi thực phẩm an toàn” đã cấp 493 giấy chứng nhận cho 368 trang trại, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh vào chuỗi với tổng sản lượng hơn 231.503 tấn/năm. TPHCM cũng tập trung xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất nông sản thực phẩm an toàn trên các lĩnh vực: trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

Song song đó, theo “Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm và trứng gia cầm”, TPHCM tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc truy xuất nguồn gốc, cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn TPHCM với 83.717 bản chính, 118.963 bản sao.

Theo Đời sống
back to top