TPBVSK Phục Thần Đan vẫn quảng cáo “vống”... bẫy khách hàng

Phục Thần Đan là vị thuốc cổ truyền cho bệnh rối loạn thần kinh thực vật, loại bỏ căng thẳng mệt mỏi… tiếp tục được “nhà cung cấp” quảng cáo thổi phồng công dụng như thuốc chữa bệnh.

Theo phản ánh của bạn đọc và thực tế khảo sát của PV Khoa học và Đời sống, dù Cục ATTP (Bộ Y tế) cảnh báo website https://phucthandan.com quảng cáo Thực phẩm bảo vệ sức khỏe (TPBVSK) Phục Thần Đan vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo thực phẩm, gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh... Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, “nhà cung cấp” sở hữu trang mạng trên vẫn coi thường pháp luật, quảng cáo “vống” dưới nhiều hình thức về công dụng TPBVSK Phục Thần Đan.

TPBVSK Phục Thần Đan bị cảnh báo vi phạm quảng cáo quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh.

TPBVSK Phục Thần Đan bị cảnh báo vi phạm quảng cáo quảng cáo gây hiểu lầm như thuốc chữa bệnh.

Coi thường luật pháp?

TPBVSK Phục Thần Đan do Công ty Cổ phần Dược phẩm Freshlife (Nam Định) sản xuất, Công ty TNHH Health Promotion (số 722 đường Vũ Hữu Lợi, xã Nam Vân, TP Nam Định, tỉnh Nam Định) công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm.

Ghi nhận của PV ngày 12/3, website https://phucthandan.com vẫn quảng cáo TPBVSK Phục Thần Đan như vị thuốc điều trị các bệnh liên quan thần kinh, trí não như: Phục Thần Đan là “vị thuốc cổ truyền cho bệnh rối loạn thần kinh thực vật”, bí quyết hỗ trợ phục hồi hệ thần kinh bị suy nhược, loại bỏ căng thẳng mệt mỏi…, với nhiều video nhận xét của người bệnh.

Liên hệ tới số điện thoại 0965960xxx , một người tự xưng là bác sĩ Sơn “phán” bệnh và tư vấn dùng thuốc: “Nếu bị mất ngủ là do tình trạng lo âu, căng thẳng... uống ngày 4 viên/2 lần; Phục Thần Đan được bào chế 100% từ thảo dược tự nhiên theo công nghệ Nhật Bản, có tác dụng phục hồi hệ thần kinh, ngừa lo lắng, bồn chồn, bất an, chán nản, mệt mỏi; tránh tình trạng mất ngủ, khó ngủ; giá 186.000đ/hộp 30 viên, mua 10 hộp giảm còn 175.000đ/hộp.

Sai phạm vẫn tiếp diễn trên web https://phucthandan.com, dùng ý kiến người bệnh quảng cáo TPCN là thuốc.

Sai phạm vẫn tiếp diễn trên web https://phucthandan.com, dùng ý kiến người bệnh quảng cáo TPCN là thuốc.

Công ty Freshlife, Health Promotion nói gì?

Ngày 15/3, PV đã liên hệ đến công ty TNHH Health Promotion là đơn vị công bố và chịu trách nhiệm sản phẩm. Bà Phạm Thị Thanh Bình, đại diện công ty này cho rằng, website https://phucthandan.com không phải của công ty Health Promotion. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trên web https://phucthandan.com để rõ địa chỉ Công ty TNHH Health Promotion, số 722 đường Vũ Hữu Lợi, xã Nam Vân, TP Nam Định, tỉnh Nam Định.

Cùng ngày, PV liên hệ đến web https://phucthandan.com, quản lý trang web giới thiệu là “bác sĩ Sơn, hiện công tác tại trung tâm cấp cứu 115 TP Hà Nội, lập trang web để bán hàng”. Điều này là thật hay “mạo danh” người có vị trí để làm sai?

Trả lời về việc Cục ATTP (Bộ Y tế) cảnh báo website https://phucthandan.com vi phạm quy định của pháp luật về quảng cáo TPBVSK như thuốc, nhưng tại sao web https://phucthandan.com tiếp diễn quảng cáo sai phạm? BS tên Sơn cho hay: “Bên em đang nhờ kỹ thuật gỡ bỏ các thông tin liên quan đến quảng cáo sản phẩm”.

Như vậy, dư luận đặt câu hỏi: Công ty TNHH Health Promotion có liên quan gì với website https://phucthandan.com? Có hay không việc website https://phucthandan.com cố tình chây ì gỡ bỏ quảng cáo sai phạm mục đích “dụ” người tiêu dùng mua Phục Thần Đan để trục lợi?

Dùng ý kiến người bệnh quảng cáo TPCN là thuốc.

Dùng ý kiến người bệnh quảng cáo TPCN là thuốc.

Vi phạm quy định về quảng cáo: Phạt 30 triệu đồng, tước giấy phép…

Luật sư Đỗ Ngọc Oánh, Đoàn Luật sư TP HCM cho rằng, hành vi quảng cáo thổi phồng công dụng TPCN có sử dụng hình ảnh, lời nói, chữ viết của người bệnh với mục đích bán hàng, cơ quan chức năng cần mạnh tay, kiên quyết xử lý dứt điểm trường hợp vi phạm để không trở thành vấn nạn quảng cáo “khống”, gian lận thương mại, lừa người bệnh.

Theo Điều 52 Nghị định 38/2021/NĐ-CP (được sửa đổi bởi điểm a, b khoản 15 Điều 4 Nghị định 129/2021/NĐ-CP) hành vi vi phạm các quy định về quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm: Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi quảng cáo sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn, lời cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế; Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; Quảng cáo thực phẩm có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Người bệnh liên tục có các triệu chứng chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ... cần đến bệnh viện thăm khám - Hình minh họa.

Người bệnh liên tục có các triệu chứng chóng mặt, nhức đầu, mất ngủ... cần đến bệnh viện thăm khám - Hình minh họa.

Hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 01 đến 03 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 3 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng; Tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 03 tháng đến 05 tháng; tước quyền sử dụng Giấy xác nhận nội dung quảng cáo từ 20 tháng đến 24 tháng đối với vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này trong trường hợp vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ 02 lần trở lên trong thời hạn 06 tháng./.

Theo Đời sống
back to top