Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, thừa nhận tình trạng thiếu thống nhất trong kiểm soát hàng thiết yếu giữa các đơn vị tại địa phương.
"Thời gian qua, đúng là lực lượng trong khâu kiểm soát thực tế có hiểu biết khác nhau, áp dụng khác nhau. Nhưng tới nay, việc kiểm soát hàng hóa không đặt quá nặng nề nữa mà chủ yếu kiểm soát người nào được đi ra ngoài", ông Phương nói tại buổi họp báo cung cấp thông tin về tình hình dịch Covid-19 ở TP.HCM chiều 30/7.
TP.HCM sẽ kiểm tra người được ra vào thay vì kiểm tra hàng hóa thiết yếu. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Lãnh đạo Sở Công Thương thông tin chiều 30/7, cơ quan này đã làm việc với 20 đơn vị cung cấp dịch vụ giao hàng. Theo báo cáo của các đơn vị này, hiện có 40 điểm ở 22 quận, huyện, TP còn tình trạng soát hỏi về hàng hóa thiết yếu.
"Sau buổi làm việc, chúng tôi đã thông tin ngay đến các quận, huyện mà trên địa bàn còn tình trạng soát hỏi về hàng hóa thiết yếu. Ngày mai, người dân sẽ không còn vướng mắc liên quan hàng hóa thiết yếu nữa", ông Phương cho hay.
Trao đổi với báo chí tại cuộc họp, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức chia sẻ khi đang thực hiện quy định về hạn chế người dân ra đường, chắc chắn sẽ có giới hạn và nhất định sẽ gặp hoàn cảnh khó khăn. Do đó, TP rất cần sự chung tay, mỗi người hy sinh một chút để tình hình khả quan hơn.
"Trước khi quay lại điều kiện bình thường thì mỗi người cố gắng có sự chia sẻ, chung sức. Chẳng hạn, tôi rất thèm ăn một tô phở nhưng với hoàn cảnh hiện nay rất khó giải quyết", ông nói.
Về phương án giãn cách sau ngày 1/8, ông Đức cho biết thành phố đã đề xuất với Trung ương và cân nhắc sau 1/8 sẽ cùng đa số các tỉnh, thành trong vùng thực hiện thêm Chỉ thị 16 từ một đến 2 tuần nữa.
TP.HCM vừa ban hành quy định mới về điều kiện shipper được hoạt động trong giãn cách. Ảnh: Chí Hùng. |
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đến 1/8. Từ 24/7, thành phố siết chặt hơn nhiều quy định trong giai đoạn giãn cách. Trong đó, TP.HCM thu hẹp nhóm đối tượng được phép hoạt động trong thời gian giãn cách.
Từ 26/7, sau 18h mỗi ngày, người dân TP.HCM được yêu cầu hạn chế ra đường. Hoạt động trên địa bàn thành phố tạm dừng tới 6h sáng hôm sau để đảm bảo giãn cách xã hội, hạn chế việc đi lại của người dân.
Tính từ 27/4 đến trưa 30/7, TP.HCM ghi nhận 84.521 ca nhiễm, hiện là tâm dịch lớn nhất cả nước.