Sở Y tế cho biết, vừa qua, TP đã tăng cường hoạt động của Tổ phản ứng nhanh, hệ thống cấp cứu 115 và các bệnh viện trên địa bàn trong cấp cứu F0. Sở Y tế yêu cầu các cơ sở y tế cần khẩn trương triển khai các nội dung sau:
Thứ nhất, luôn sẵn sàng tiếp nhận người bệnh đến khám và cấp cứu 24/7, khẩn trương đánh giá tình trạng người bệnh. Đảm bảo luôn mở cổng bệnh viện để sẵn sàng tiếp nhận khi người dân đến khám hoặc cấp cứu, đặc biệt vào ban đêm.
Các bác sĩ đang điều trị cho F0 nặng tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19. Ảnh: Trương Thanh Tùng. |
Thứ hai, tuyệt đối không vì thủ tục hành chính mà chậm trễ việc cấp cứu người bệnh. Tùy tình trạng người bệnh mà quyết định việc tiếp tục điều trị tại đơn vị hay chuyển đến tuyến trên. Không yêu cầu người bệnh phải test nhanh hoặc PCR dương tính mới tiếp nhận.
Thứ ba, chủ động bố trí thêm giường, băng ca, bình oxy dự trữ tại khu vực tiếp nhận và cấp cứu, đảm bảo không để người bệnh chuyển biến nặng hơn do phải chờ lâu.
Sở Y tế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị triển khai nội dung trên đến toàn thể nhân viên, hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong và không để người bệnh tử vong tại nhà do chậm trễ hoặc từ chối tiếp nhận người bệnh.
Theo Ban Chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP.HCM, tính từ 18h30 ngày 4/8 đến 6h ngày 5/8, TP ghi nhận thêm 2.349 ca mắc Covid-19 mới được Bộ Y tế công bố. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, TP đã có hơn 108.000 trường hợp mắc Covid-19. Tính đến 7h ngày 4/8, TP đã có 43.751 F0 điều trị khỏi từ khi dịch bệnh bắt đầu.
Hiện TP đang điều trị 33.444 F0, trong đó có 1.035 bệnh nhân nặng đang thở máy và 15 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 4/8, có 217 trường hợp tử vong.