Tính đến nay TP.HCM có hơn 245.000 ca nhiễm Covid-19, hơn 10.000 người đã tử vong. Với ngành giáo dục, theo thống kê hiện có khoảng 6.600 học sinh mắc Covid-19, một số giáo viên, học sinh mất đi người thân trước ngày khai giảng. Thành phố bước vào năm học mới với nhiều bộn bề. Sở GD-ĐT TP.HCM đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tổ chức tốt nhất có thể hoạt động dạy - học trên internet.
Lễ khai giảng trực tiếp sáng nay có sự tham dự của ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, các nguyên Giám đốc Sở GD-ĐT gồm ông Lê Hồng Sơn, Huỳnh Công Minh.
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM đọc thư Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gửi giáo viên và học sinh ngày khai trường.
Tại Hà Nội, 7h30 sáng, lễ khai giảng năm học mới đặc biệt cho hơn 2,1 triệu học sinh bắt đầu tại duy nhất Trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm.
Lễ khai giảng cũng được kết nối tới 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố và được tường thuật trực tiếp trên truyền hình để giáo viên, và học sinh theo dõi.
Ảnh: TH |
Sự kiện có sự tham gia của ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh, gần 100 đại biểu đại diện lãnh đạo các Sở, phòng giáo dục, giáo viên, đại diện học sinh cấp học THCS, THPT và giáo dục thường xuyên; các học sinh, cán bộ, giáo viên có thành tích xuất sắc tại các kỳ Olympic quốc tế.
Ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội dự lễ khai giảng. Ảnh: TH |
Các đại biểu đến dự là người không có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh Covid-19, thực hiện khai báo y tế, thực hiện xét nghiệm Covid-19 tại buổi tổng duyệt ngày 4/9, và được bố trí chỗ ngồi bảo đảm giãn cách.
Khu vực Trường THCS Trưng Vương trước đó đã được phun khử khuẩn và chuẩn bị tốt các điều kiện phòng chống dịch.
Chủ tịch TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh đánh trống khai giảng năm học mới. Ảnh: TH |
Sau khi kết thúc lễ khai giảng truyền hình trực tiếp, từ 8h45 đến 9h30 ngày 5/9, các nhà trường tổ chức sinh hoạt đầu năm học theo hình thức trực tuyến.
Học sinh Hà Nội chào cờ tại nhà trong lễ khai giảng trực tuyến |
Tại Trường Tiểu học, THCS và THPT Nguyễn Siêu tổ chức buổi sinh hoạt truyền thống kết nối hơn 300 cán bộ, giáo viên người Việt, 55 giáo viên người nước ngoài và 2661 học sinh qua MS Teams, truyền livestream trên các kênh Fanpage trường và tường thuật trên cổng thông tin của trường.
Nhà trường cũng chào đón hơn 260 tân học sinh lớp 1.
Tại Thái Bình, năm nay các trường đều tổ chức khai giảng linh hoạt theo hình thức trực tuyến kết hợp với trực tiếp. Lễ khai giảng được tổ chức trong lớp học, chỉ gói gọn trong 45 phút.
Tại Nghệ An, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Sở GD-ĐT chỉ tổ chức Lễ khai giảng năm học 2021-2022 tại điểm duy nhất ở Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu và sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình của Đài Phát thanh - Truyền hình Nghệ An.
Lễ khai giảng đặc biệt này dự kiến bắt đầu từ 8h và diễn ra trong vòng 30 phút, với số lượng đại biểu tham dự rất hạn chế, đảm bảo quy định phòng chống dịch.
Chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới 2021-2022 tại Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An |
Trước tình hình dịch Covid-19 phức tạp và kéo dài, có 19 tỉnh, thành phố quyết định không tổ chức hoặc lùi ngày tổ chức khai giảng năm học mới 2021-2022. Đó là TP.HCM, Quảng Bình, Cà Mau, Cần Thơ, Bạc Liêu không tổ chức khai giảng; Đồng Tháp, Bến Tre, lâm Đồng, Long An, Trà Vinh, Tây Ninh… lùi lễ khai giảng tới giữa hoặc cuối tháng 9.
Cùng với ba địa phương trên là một số tỉnh thành khác cũng tổ chức lễ khai giảng phát sóng trên truyền hình như An Giang, Hà Tĩnh, Kiên Giang, Hải Dương, Quảng Ngãi…
Hải Phòng tổ chức khai giảng trực tiếp cho các lớp đầu cấp 1, 6 và 10. Các lớp còn lại khai giảng trực tuyến.
Kon Tum và Cao Bằng tổ chức khai giảng đúng ngày 5/9 nhưng chỉ tại lớp cho học sinh.
Trong ngày hôm nay, chỉ có học sinh của gần 20 tỉnh thành là Bắc Kạn, Lai Châu, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Phú Thọ… được tham dự lễ khai giảng truyền thống với bạn bè, thầy cô.
Hàng nghìn học sinh đón khai giảng xa trường, xa nhà
Dù năm học mới đã chính thức bắt đầu nhưng tại nhiều tỉnh thành, thành phố vẫn còn những học sinh chưa thể trở về nhà do dịch Covid-19.
Ông Trần Nguyễn Minh Thành, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, cho biết thành phố hiện có gần 2.500 học sinh đang mắc kẹt tại hơn 34 tỉnh, thành chưa kịp về nhập học. Nhiều nhất là ở Quảng Nam với 420 học sinh, Quảng Ngãi 33 học sinh hay tỉnh xa như Nghệ An, Thanh Hoá,…
Hiện các trường ở Đà Nẵng gấp rút liên hệ, rà soát, lập danh sách những học sinh đang tạm trú tại các địa phương ngoài thành phố, đề nghị hỗ trợ các em được đăng ký học tại đó.
Ông Thành cũng cho biết đối với học sinh địa phương khác đang ở Đà Nẵng có nguyện vọng học tại trường nơi các em đang tạm trú sẽ được tiếp nhận.
Sở GD-ĐT Bạc Liêu cũng thống kê ở tiểu học có 417 em, THCS có 403 em đang ở vùng dịch chưa thể quay về địa phương học tập. Bà Lâm Thị Sang, Giám đốc Sở cho hay sẽ có văn bản gửi Sở GD-ĐT các tỉnh kết hợp hỗ trợ các em học tại nơi tạm trú.
Bên cạnh đó, Sở xét đặc cách cho 5 trường hợp là F1, F2 chưa thi tuyển vào lớp 10.
Tại Kon Tumđang có hơn 100 học sinh ngoại tỉnh tạm trú do điều kiện giãn cách vì dịch Covid-19. Đồng thời có gần 650 học sinh của Kon Tum đang ở các tỉnh, thành phố khác chưa về địa phương. Sở đã tạo điều kiện, liên kết các tỉnh khác hỗ trợ cho những học sinh này được “học nhờ”.
Tỉnh Vĩnh Phúccũng đang có khoảng 3.150 học sinh và trên 450 giáo viên Vĩnh Phúc đang ở tỉnh lân cận, giáp ranh chưa về kịp khai giảng do dịch bệnh Covid-19. Có khoảng 2.400 học sinh đang ở vùng thực hiện cách ly theo Chỉ thị 16 hoặc khu vực đang có quyết định cách ly như Hà Nội. Nhiều nhất là cấp Tiểu học (1.164 em), khối giáo dục thường xuyên - giáo dục nghề nghiệp (884 em), Trung học cơ sở (517 em), Trung học phổ thông (349 em), Mầm non (236 em).
Sở GD-ĐT tỉnh này vừa có văn bản hướng dẫn, đối với phân công giáo viên, hỗ trợ học sinh đăng ký học tạm tại các địa phương.
Sở GD-ĐT Hậu Giang thì cho biết toàn tỉnh có 520 giáo viên và 2.783 học sinh đang lưu trú ngoài tỉnh trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, nhiều nhất là ở TP Cần Thơ, Kiên Giang, Sóc Trăng, TP.HCM, Bình Dương.
Sở đã kiến nghị UBND tỉnh có phương án bố trí xe đón giáo viên, học sinh tại 3 địa phương là TP Cần Thơ, tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Kiên Giang về lại trước năm học mới và hỗ trợ toàn bộ chi phí cách ly cho học sinh. Riêng các địa bàn còn lại dịch bệnh phức tạp hơn sẽ có văn bản tới các Sở GD-ĐT tỉnh đó, hỗ trợ phụ huynh chủ động lên hệ cho con học tại nơi tạm trú.
Sở GD-ĐT Quảng Ninh thống kê còn khoảng 1.000 học sinh mắc kẹt tại các tỉnh, thành trong cả nước và chưa thể trở về địa phương để tựu trường. Tuy nhiên tỉnh đã lên phương án đón học sinh trở về sau khi xét nghiệm PCR, đảm bảo công tác phòng dịch và tổ chức dạy trực tuyến khi các em cách ly.
Tương tự, Hà Tĩnh đang có 546 học sinh khối Tiểu học, 330 học sinh Trung học cơ sở và 460 học sinh Trung học phổ thông chưa thể về nhập học. Các trường đã lên phương án dạy trực truyến kết hợp hỗ trợ, dạy bù cho các em khi trở về.
Trước tình hình dịch bệnh căng thẳng, Sở GD-ĐT TP.HCM đã yêu cầu các trường hỗ trợ thủ tục, giấy tờ trực tuyến để học sinh có thể học tạm tại trường ở quê khi không thể trở lại thành phố để kịp cho năm học mới. Đồng thời, TP.HCM sẵn sàng tiếp nhận, sắp xếp lớp học trực tuyến phù hợp cho học sinh của các địa phương khác không thể trở về quê. Hết giãn cách, các trường sẽ tiếp nhận học sinh kèm theo kết quả học tập, rèn luyện của các em tại trường học tạm.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết hiện có khoảng 6.600 học sinh của thành phố đang là F0, hầu hết đều không triệu chứng. Do đó, các em hoàn toàn có thể tham gia học trực tuyến dù ở trong khu cách ly hay đang cách ly tại nhà.
"Có những học sinh cả gia đình đều là F0, thậm chí cả cha lẫn mẹ đều không qua khỏi. Tất cả những trường hợp này các thầy cô giáo sẽ đặc biệt quan tâm, giúp các em giảm bớt đau thương" - ông Hiếu chia sẻ.
Nhóm PV