Ngày 8/9, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên đã có buổi làm việc tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (trưng dụng từ Bệnh viện Ung Bướu cơ sở 2, TP Thủ Đức).
Bí thư Nguyễn Văn Nên bày tỏ xúc động và ghi nhận những nỗ lực, đóng góp quan trọng của đội ngũ y bác sĩ tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 của thành phố.
Bệnh viện Hồi sức đã có 55 ngày chiến đấu từ những ngày đầu khó khăn gian khổ. Đến nay, đã đi qua nhiều chặng đường, mỗi chặng đường đều ghi lại những chiến công. Đó là tiếp nhận bệnh nhân, điều trị và cho xuất viện khoảng 600-700 người.
Ông ghi nhận: “Đến giờ này bệnh nhân nhập viện giảm khoảng 30%, tử vong giảm gần 50%. Đây là sự nỗ lực rất lớn, rất đáng trân trọng. Tại bệnh viện này có thể “đo” được tình hình ở bên ngoài cũng có xu hướng giảm như vậy”.
Người dân xếp hàng chờ tiêm vắc xin. Ảnh: Trương Thanh Tùng |
Tại buổi làm việc, người đứng đầu Thành ủy nhấn mạnh, để chiến thắng dịch phải kết hợp 3 mũi tiến công rất quan trọng là vắc xin + thuốc + ý thức người dân. Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp tục nhưng trong điều kiện có niềm tin, có điều kiện dẫn tới chiến thắng. Thành phố đang chuẩn bị các chiến lược để trở lại "bình thường mới".
Ông cũng lưu ý, dù trở về trạng thái "bình thường mới" nhưng hệ thống y tế phải được củng cố, tăng cường, đảm bảo sức chiến đấu dẻo dai hơn, bền bỉ hơn.
Trước đó, tại buổi làm việc với quận 7, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên cũng từng nhấn mạnh việc không thể mãi giãn cách xã hội nghiêm ngặt, phải tính toán việc mở cửa, đưa thành phố trở lại trạng thái "bình thường mới" trong tình trạng có dịch. Ông yêu cầu khi mở cửa phải an toàn, chắc chắn và mở tới đâu, quản tới đó.
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, thành phố lên kế hoạch nghiên cứu "thẻ xanh vắc xin", để có quy định những ai tham gia các hoạt động khi mở cửa trở lại.
Trên tinh thần chỉ đạo thống nhất, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo huyện Củ Chi, quận 7 thí điểm trước việc mở dần một số hoạt động với các tiêu chí an toàn. Sau đó, thành phố sẽ rút kinh nghiệm, tiến tới mở cửa dần các vùng còn lại.
Cũng trong ngày 8/9, Văn phòng UBND TP phát đi thông báo kết luận của Phó Chủ tịch TP Lê Hòa Bình, giao các sở, ngành phối hợp với Tổ tư vấn chính sách khẩn trương tham mưu chiến lược phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế sau ngày 15/9.
Các chiến lược sẽ phân theo 2 giai đoạn, từ ngày 15/9 đến 31/12 và năm 2022; gồm 3 phần: đánh giá tình hình; mục tiêu và giải pháp; đề xuất các chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương và thành phố.
Cho phép mở bán hàng mang đi
Thành phố cũng vừa có chỉ đạo cho phép một số loại hình kinh doanh dịch vụ ăn uống, cơ sở cung ứng dịch vụ bưu chính, viễn thông... được phép hoạt động từ 6-18h hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi.
Cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; đội ngũ giao nhận hàng hóa (shipper) trong phạm vi 1 quận, huyện, TP Thủ Đức; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6-21h hàng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân…
Đội ngũ shipper đi chợ hộ người dân những ngày giãn cách. Ảnh: Thanh Tùng |
Đây được xem như một trong những động thái dần nới lỏng các hoạt động của chính quyền thành phố trong công tác phòng chống dịch Covid-19 trong bối cảnh vẫn tăng cường các biện pháp giãn cách đến hết ngày 15/9.
Cũng theo chỉ đạo mới nhất, thành phố đã mở 2 điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền và Hóc Môn. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả của điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Thủ Đức để bổ sung nguồn hàng hóa cung ứng cho thành phố, đảm bảo lưu thông thông suốt đến người tiêu dùng trên nguyên tắc an toàn phòng, chống dịch.
Tại buổi họp báo chiều 8/9, Phó Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid 19 TP.HCM Phạm Đức Hải cũng thông tin, việc đi chợ hộ giảm so với trước đó, do người dân còn nhiều giải pháp thay thế; đồng thời kỳ vọng vào chính sách mở cửa có lộ trình của chính quyền thành phố, trong đó có việc cho phép đi chợ có kiểm soát.
6 lý do “bom” hàng đi chợ hộ
Thông tin về nguyên nhân tình trạng "bom" hàng được phản ánh gần đây, Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng tham mưu, Công an TP.HCM cho biết, đã làm việc với 200 trường hợp đặt mua mà không nhận hàng.
Khi kiểm tra, xác minh công an ghi nhận hiện tượng đặt hàng nhưng không giao nhận được tại TP Thủ Đức, quận 4, 6, Bình Thạnh, Bình Tân, Tân Phú.
Theo đó, Công an TP xác định có 6 nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng “bom hàng”. Thứ nhất, người dân không rành về công nghệ, khi thao tác đặt hàng trùng đơn nhưng không biết cách hủy.
Thứ hai, dữ liệu khi đặt hàng cung cấp không đầy đủ, chính xác khiến các shipper không tìm được địa chỉ giao hàng.
Thứ ba, người dân đã hủy đơn hàng nhưng hệ thống không cập nhật, dẫn đến vẫn giao hàng và bị từ chối.
Thứ tư, có trường hợp đơn hàng giao quá lâu, người dân đã chọn kênh phân phối khác để mua hàng nên không nhận; có trường hợp người dân đi cách ly y tế nên không nhận được hàng,
Thứ năm, các đơn vị không cung cấp đúng mặt hàng đã đặt, sai mặt hàng nên người dân không nhận. Ông Hà ví dụ, có người đặt nguyên con gà nhưng chỉ giao cánh hoặc đùi hoặc giao không nguyên con.
Cuối cùng là, đơn hàng đã nhận rồi nhưng siêu thị vẫn giao thêm lần nữa nên người dân không tiếp nhận.
"Thời gian tới, công an thành phố tiếp tục chỉ đạo công an các địa phương và phòng nghiệp vụ làm rõ nếu có phản ánh về việc "bom hàng" như thời gian qua", Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.
Riêng đối với các hãng vận chuyển, đi chợ hộ công nghệ, chưa ghi nhận hiện tượng "bom hàng" hoặc được xử lý theo quy định của công ty.
Cũng trong buổi họp báo, Thượng tá Hà cho biết, bắt đầu từ ngày 8/9 các chốt kiểm soát đã triển khai hệ thống quét mã QR qua các đầu quét camera lắp đặt tại chốt. Việc quét mã rất nhanh, chỉ 2-5 giây là xong.
Theo ông Hà, việc này không chỉ nhanh về thủ tục kiểm tra, mà còn giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa lực lượng kiểm soát và người dân lưu thông, tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh.