<div> <p>Đánh giá về đề thi, Cô Đoàn Thị Nguyệt, giáo viên dạy Văn tại trường THCS Văn Lang, quận 1 cho hay đề thi tổng hợp được nội dung chương trình lớp 9. Đề thi đúng trọng tâm kiến thức ôn tập.</p> <p align="center"><img alt="TP.HCM: Đề văn khá hay, sát với thực tế cuộc sống - ảnh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2019/06/02/de-van-hay_bupc(1).jpg" /><br /> <em class="image_caption"> </em></p> <p align="center"><img alt="TP.HCM: Đề văn khá hay, sát với thực tế cuộc sống - ảnh 2" src="https://khds.1cdn.vn/2019/06/02/20190602105442_zhgp.jpg" /></p> <p><em class="image_caption" style="text-align: center; display: inline !important;">Đề thi Văn tuyển sinh 10 tại TP.HCM.</em></p> <p><span>Về phần đọc hiểu, câu 1 ngữ liệu hay, lấy đúng vấn đề thời sự giới trẻ hiện đang tham gia cuộc thi "thách thức để thay đổi" thực hiện một số công việc thiện nguyện để bản thân tốt hơn. Từ sự việc này, học sinh sẽ trả lời câu hỏi và đưa ra những suy nghĩ của mình về việc thách thức bản thân có giúp chúng ta thay đổi theo chiều hướng tốt hơn. Câu này cũng có các ý hỏi chia theo cấp độ phân loại năng lực học sinh.</span></p> <p>Cô Nguyệt cho biết câu 2 là một câu hỏi khá hay nói về vấn đề ứng xử đối với người nổi bật hơn mình. Học sinh phải có năng lực mới có thể cảm thụ và phân tích đề. Thứ nhất, các em phải quan sát 4 cái cây, phải đọc kỹ để xác định tích cách của từng cây hay đúng hơn là từng chủ đề. Từ đó, các em mới suy ra cách ứng xử của giới trẻ hiện nay. Sau đó, các em chỉ chọn lựa 1 trong 3 cách ứng xử là ganh tỵ, nỗ lực, đố kỵ. Qua việc nêu ra những cách ứng xử, các em cũng có một bài học cho mình.</p> <p>Riêng câu 3, phần nghị luận văn học là một dạng đề tổng hợp liên hệ với văn bản cùng chủ đề hoặc câu chuyện thực tế cuộc sống. Câu này phù hợp với nội dung định hướng của Bộ GD&ĐT ra đề theo hướng phát triển năng lực của học sinh, không mang tính bó buộc. Trong đó đề 2 là dạng mở, tạo điều kiện học sinh suy nghĩ.</p> <p>Tương tự thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Văn trường THCS Nguyễn Du, quận 1 cho biết đề hay, khoa học, có tính phân loại cao. Trong đó câu 1 mang tính thời sự, không đòi hỏi học sinh học thuộc lòng. Riêng phần C, yêu cầu khả năng phân tích , tổng hợp của học trò. Đối với câu 2, khá thú vị, cấu trúc giống năm ngoái nhưng vẫn có tính sáng tạo. Qua việc học sinh lựa chọn từng cây sẽ cho thấy được suy nghĩ, nhận thức của từng học trò. Đặc biệt câu hỏi này giúp học sinh dễ dàng bộc lộ quan điểm của mình. </p> <p>Theo thầy Bảo, câu 3 thi sính có thể chọn lựa một trong 2 đề. Câu 3 a, phù hợp với chương trình, còn câu 3 b đề mang tính nâng cao nhưng không quá khó , học sinh cần có năng lực cảm nhận tổng hợp để phân tích. Qua đây giúp học sinh nhận ra giá trị văn hóa nói chung và thơ ca nói riêng đối với đời sống. </p> <p>Đồng quan điểm, cô Đặng Thị Huy Lam, giáo viên dạy văn trường THPT Nguyễn Hữu Huân, quận Thủ Đức, chia sẻ đề Văn khá hay, không rập khuôn vào kiến thức của sách giáo khoa. Đề phát huy cao sự sáng tạo, khả năng tư duy, phản biện và thao tác lập luận so sánh.</p> <p>Đặc biệt câu 1 và câu 2 trong đề đưa thí sinh đến gần với cuộc sống để chia sẻ, thấu hiểu và có những góc nhìn, quan điểm của riêng mình .</p> <p>Nếu ở câu 1, thí sinh thấy được những thách thức của bản thận để khẳng định mình qua những hoạt động thiện nguyện, lan tỏa những điều tốt đẹp trong cộng đồng chiến thắng cái tôi nhỏ bé của riêng mình. Thì câu 2, dựa vào hình vẽ, thí sinh tuỳ vào quan điểm sống của mình để lựa chọn, lý giải một thái độ sống tích cực: không đố kỵ, so bì với người khác nhưng phải biết tự mình vươn lên để thành công và khẳng định sự khác biệt của bản thân.</p> <p>Đối với phần nghị luận văn học thí sinh có hai sự lựa chọn tuỳ vào khả năng cảm thụ văn học. Song có lẽ học sinh tập trung chọn viết về đề tài gia đình. Từ tình cảm cha con trong tác phẩm chiếc Chiếc lược ngà, thí sinh có thể liên hệ đến một tác phẩm khác đã biết, đã học hoặc thực tế cuộc sống để thấy đước sức mạnh gia đình .</p> <p> </p> <article class="article-related clearfix cms-relate"> </article> </div>