TP.HCM “căng mình” chống dịch: Cuộc đua mang tên điều trị COVID-19

Với hơn 100% tâm huyết và sức lực, đội ngũ y bác sỹ tuyến đầu tại Thành phố Hồ Chí Minh đang ngày đêm nỗ lực vì sự an toàn của người bệnh trong cuộc chiến chống COVID-19.
TP.HCM “cang minh” chong dich: Cuoc dua mang ten dieu tri COVID-19 hinh anh 1Bác sỹ, điều dưỡng bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4 vận chuyển tủ thuốc, dụng cụ y tế dọn phòng cho bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Thành phố Hồ Chí Minh những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, đường phố vắng lặng hơn, nhịp sống cũng chậm lại. Thế nhưng, trái ngược với khung cảnh ấy là sự hối hả, tất bật bên trong các Bệnh viện điều trị COVID-19.

Với hơn 100% tâm huyết và sức lực, đội ngũ y bác sỹ tuyến đầu đang ngày đêm nỗ lực vì sự an toàn của người bệnh.

Cuộc chạy đua ở các bệnh viện dã chiến

Điện thoại đường dây nóng đổ chuông, bác sỹ Hồ Tấn Thanh Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 4 (Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) nghe máy.

Đầu dây bên kia, một bệnh nhân ở block A1.4 phàn nàn "Làm ơn mở nước giùm chúng tôi bác sỹ ơi." "Vâng, chúng tôi đang tích cực sửa chữa, các anh chị chịu khó chờ chút xíu nghe, " bác sỹ Bình trả lời.

Bác sỹ Bình chia sẻ bắt đầu từ 7/7, khu tái định cư Vĩnh Lộc B được cải tạo thành Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 4. Là chung cư cả chục năm không có người ở, cơ sở hạ tầng vật chất kỹ thuật đều bị xuống cấp, nhất là hệ thống ống dẫn nước, hệ thống điện...

Việc cải tạo diễn ra hỏa tốc chỉ 1-2 ngày và đưa vào sử dụng ngay nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách do số người mắc COVID-19 tăng đột biến. Chỉ sau 7 ngày đi vào hoạt động, số bệnh nhân được chuyển đến đã lên tới 2.000 người, chiếm 50% công suất chuẩn bị của 7 block nhà chung cư cũ.

Thế nhưng, đến thời điểm này chỉ có 70 nhân viên y tế được điều động từ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Bệnh viện Đại học Y dược và Bệnh viện Bình Tân.

Từ sáng sớm đến đêm khuya, các bác sỹ, điều dưỡng phải căng mình tiếp nhận, khám sàng lọc, hướng dẫn nơi ăn, chốn ở, phương cách sinh hoạt, theo dõi sức khỏe, xử lý các ca bệnh biến chuyển nặng…

Tiếng chuông điện thoại đường dây nóng không ngừng reo, tiếng bước chân vội vã của nhân viên y tế không ngừng vang lên trong đêm tối.

Ở phía Đông Thành phố, Bệnh viện dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 3 đặt tại Khu đô thị Thủ Thiêm, thành phố Thủ Đức trong tình trạng tương tự.

Thành lập chỉ trong vài ngày, dù mới đưa vào hoạt động 1 tuần lễ nhưng đã tiếp nhận gần 2.000 bệnh nhân. Hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đến đâu bệnh viện lại tiếp nhận bệnh nhân đến đó. Những cán bộ y tế đang hối hả nhập liệu ngay trên những chiếc giường xếp cá nhân, thậm chí sử dụng những thùng đồ đựng giấy vệ sinh làm ghế ngồi.

Bác sỹ Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 3 cho biết chỉ 1,5 ngày chuẩn bị, từ một khu nhà chưa được đưa vào sử dụng, trống trơn đã trở thành một bệnh viện, dù đó là “dã chiến” nhưng cũng là nỗ lực phi thường của tất cả các lực lượng chức năng.

Vừa phun khử khuẩn bàn tay nhăn nheo, trắng bệch vì đeo găng tay cao su trong thời gian dài, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện dã chiến số 3 Nguyễn Trọng Thu cho biết, ở đây, bác sỹ, y tá, điều dưỡng đều làm việc gấp đôi, gấp ba so với bình thường vì lượng công việc vô cùng khổng lồ. Chỉ ngủ được 3-4 tiếng mỗi đêm là rất bình thường đối với nhân viên y tế tại đây.

Ngoài công việc chuyên môn, các nhân viên y tế phải kiêm luôn công việc của lực lượng hỗ trợ, từ bê vác hàng hóa, trang thiết bị, vật dụng thiết yếu, đồ người nhà gửi cho các bệnh nhân đến từng phòng.

Đều đặn 3 lần mỗi ngày mang cơm, thu dọn rác, khử trùng rác...là việc làm không hề đơn giản với những nữ bác sỹ “chân yếu tay mềm.” Lau mắt kinh mờ vì hơi nóng sau ca trực kéo dài trong bộ đồ bảo hiểm y tế kín bưng, bác sỹ Lê Thị Bích Ngọc (Bệnh viện Đa khoa Bưu Điện) cho biết ban đầu chị cũng thấy cực lắm, nhiều khi cũng stress vì vừa lo bảo vệ bản thân khỏi nguy cơ lây nhiễm, vừa phải làm những việc lẽ ra không phải của mình. Nhưng rồi, mọi người cũng quen, công việc dần ổn định nên đỡ vất vả hơn và thời gian dành cho chuyên môn được nhiều hơn.

Bác sỹ Trần Văn Khanh trầm ngâm hiện nay, biên chế lực lượng y bác sỹ, điều dưỡng mới đáp ứng 30-40% nhu cầu, trong khi trang thiết bị y tế không hoàn toàn đầy đủ, diễn biến bệnh lý người mắc COVID-19 thường phức tạp, chuyển biến nhanh, đòi hỏi nhân viên y tế luôn trong tình trạng căng mình đối phó với các tình huống.

Tính đến nay, ngoài các bệnh viện chuyên điều trị COVID-19 có triệu chứng, Thành phố Hồ Chí Minh đã thành lập thêm 9 bệnh viện dã chiến thu dung điều trị bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng.

Hiện Thành phố đang triển khai mô hình tháp 4 tầng để phân luồng điều trị cho bệnh nhân. Tầng 1 các bệnh viện dã chiến thu dung các trường hợp F0 không có triệu chứng, tầng 2 dành cho các trường hợp F0 có triệu chứng, tầng 3 điều trị cho các F0 có bệnh lý nền đi kèm và tầng 4 dành cho bệnh nhân COVID-19 nặng và nguy kịch.

Dù bất cứ ở tầng nào, việc đảm bảo an toàn cho người bệnh vẫn luôn được đội ngũ nhân viên y tế đặt lên hàng đầu.

Giữ từng nhịp thở cho người bệnh

Trước diễn biến phức tạp của dịch, số ca mắc ngày càng nhiều, đồng hành với đó là ca có diễn tiến nặng cũng nhiều hơn. Con số hơn 100 ca tử vong và hàng trăm ca trở nặng đang phải điều trị tại các đơn vị điều trị tích cực của Thành phố Hồ Chí Minh những ngày qua đã thể hiện rõ điều này.

TP.HCM “cang minh” chong dich: Cuoc dua mang ten dieu tri COVID-19 hinh anh 2Các bác sỹ bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị COVID-19 số 4 (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) chăm sóc bệnh nhân COVID-19. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, kể từ khi dịch COVID-19 lần thứ 4 bùng phát trở thành "đại bản doanh" của những ca bệnh nặng.

Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Văn Hảo, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn, cho biết trung bình luôn có gần 30 bệnh nhân nặng, tất cả đều bị suy hô hấp cấp nặng do tổn thương phổi gây ra bởi virus, phải nhờ máy thở mới đảm bảo chức năng hô hấp. Có những người phải lọc máu liên tục, có những người phải sử dụng kỹ thuật ECMO.

"Chưa bao giờ chúng tôi phải chịu nhiều áp lực như lúc này, nhất là trong thời điểm bệnh viện bị phong tỏa do có nhân viên y tế dương tính với SARS-CoV-2. Ở đây, nhân viên y tế phải làm việc gần như 24/7, không biết ngoài kia nắng hay mưa, trời sáng hay tối. Tất cả hầu như quên mất khái niệm ngày giờ, chỉ còn sự tập trung cao độ vào việc điều trị và chăm sóc bệnh nhân," bác sỹ Hảo cho biết.

Bác sỹ Hảo ví von, Khoa Hồi sức tích cực-chống độc người lớn như một khoang tàu vũ trụ với âm thanh chủ đạo là những tiếng "tít tít" phát ra từ monitor, tiếng máy ECMO, tiếng máy lọc máu...

Các bác sỹ như những phi hành gia trong bộ quần áo trắng xóa, kín mít và nặng nề nhưng di chuyển như con thoi giữa các buồng bệnh để liên tục đánh giá tình hình bệnh nhân, điều chỉnh máy thở, điều chỉnh máy lọc máu, máy ECMO cho phù hợp với diễn biến bệnh.

Từng phút, từng giờ, theo dõi sát từng thay đổi nhỏ trong sinh hiệu và triệu chứng của bệnh nhân, điều chỉnh việc điều trị và chăm sóc điều dưỡng cho thích hợp với mỗi thay đổi nhỏ nhất. Công việc căng thẳng và không kém phần nguy hiểm vì nguy cơ lây nhiễm luôn chực chờ.

Niềm vui duy nhất của các phi hành gia trong khoang tàu vũ trụ này là sự hồi phục ngoạn mục của các bệnh nhân. Như trường hợp của bệnh nhân 8963 (54 tuổi, quê ở Thanh Hóa) là thủy thủ tàu cá trở về từ Ấn Độ.

Lúc nhập viện, bệnh nhân có dấu hiệu sốt, ho, tức ngực và chỉ 3 ngày sau nhập viện, bệnh nhân này đã có dấu hiệu của "cơn bão Cytokine", một biến chứng cực nặng trong bệnh COVID-19 tương tự như bệnh nhân 91 trước đây.

Sau nhiều biện pháp hồi sức tích cực liên tục của Khoa Hồi sức tích cực-Chống độc người lớn, bệnh nhân đã có tiến triển rõ rệt, chức năng phổi cải thiện rất đáng mừng. Đến nay, bệnh nhân đã hoàn toàn ổn định về sức khỏe, thể trạng và tinh thần.

"Cuộc chiến với dịch lần này còn nhiều khó khăn, cam go, thách thức và thường trực hiểm nguy nhưng đã có những sinh mạng được giành giật khỏi lưỡi hái của “tử thần” COVID-19. Những tín hiệu vui này cho chúng tôi thêm niềm tin để tiếp tục chiến đấu và chiến thắng đại dịch," bác sỹ Nguyễn Văn Hảo chia sẻ.

Tương tự, các y bác sỹ của Bệnh viện Điều trị COVID-19 Trưng Vương - một bệnh viện mới được chuyển đổi công năng thành nơi điều trị bệnh nhân COVID-19 từ giữa tháng 6/2021 cũng đang phải ngày đêm căng mình giữ từng nhịp thở cho bệnh nhân.

Tiến sỹ, bác sỹ Lê Thanh Chiến, Giám đốc Bệnh viện Trưng Vương cho biết bệnh viện đang điều trị cho gần 700 bệnh nhân COVID-19 trong đó có 92 trẻ em và 91 bệnh nhân thở oxy, 12 ca thở máy xâm lấn và 9 trường hợp thở oxy dòng cao.

Dù chỉ mới thành lập không lâu nhưng có những thời điểm, liên tục bệnh nhân nặng được chuyển đến khiến đội ngũ y bác sỹ nơi đây gần như bị "ngợp." Trải qua giai đoạn khó khăn ấy, cả tập thể đội ngũ y bác sỹ vẫn "gồng mình" vượt qua và họ đã thu được những thành quả đáng khích lệ.

"Sau hơn 2 tuần, hơn 50 bệnh nhân COVID-19 đã được xuất viện, trong đó có những trường hợp ở thể nặng, phải nằm hồi sức cấp cứu. Đây là tín hiệu rất khả quan, củng cố niềm tin, là động lực để đội ngũ y bác sỹ tiếp tục cuộc chiến trong những ngày tới" - bác sỹ Lê Thanh Chiến chia sẻ.

Đặc biệt, các y bác sỹ không thể quên được khoảnh khắc khi có hai em bé chào đời an toàn tại Bệnh viện Trưng Vương nhờ sự cấp cứu, hỗ trợ kịp thời của các y bác sỹ. Nhiều bệnh nhân mắc COVID-19 có tình trạng chấn thương, bệnh lý ruột thừa... cũng được giải quyết.

Niềm vui nối tiếp cứ thế xuất hiện giữa khó khăn đã xua đi biết bao mệt mỏi của đội ngũ y bác sỹ nơi tuyến đầu. Ngày hôm nay, lại có thêm một số bệnh nhân nữa được xuất viện về nhà - điều đó đồng nghĩa với việc có thêm nhiều người nữa đã thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên COVID-19./.

Theo www.vietnamplus.vn
back to top