Ngày 10/8, Bệnh viện huyện Bình Chánh (TP HCM) cho biết, vừa tiếp nhận 5 trường hợp nghi ngờ ngộ độc hóa chất. Các bệnh nhân nhập viện lúc 17 giờ ngày 9/8 trong tình trạng có người hôn mê, có người co giật, có người tỉnh, khó thở và hầu hết giảm oxy máu.
5 bệnh nhân gồm N.V.L.E. (31 tuổi), B.N.H. (26 tuổi), N.T.S. (24 tuổi), V.H.K. (19 tuổi) và N.C.D. (50 tuổi), được chẩn đoán suy hô hấp cấp, ngộ độc chất vô cơ (nghi ngờ theo dõi ngộ độc chất Poly Aluminium Chloride – PAC) với nhiều triệu chứng khác nhau như người tỉnh táo, khó thở, có người bị hôn mê, co giật, giảm oxy trong máu.
Qua thăm khám, 3 bệnh nhân được chẩn đoán nặng phải đặt nội khí quản thở máy, 2 bệnh nhân thở oxy qua mask.
Bệnh nhân nghi bị ngộ độc hóa chất PAC. Ảnh: SK&ĐS |
Sau đó, Bệnh viện huyện Bình Chánh chuyển 2 bệnh nhân đến Bệnh viện Nhân dân 115, 2 người đến Bệnh viện Trưng Vương và 1 trường hợp đến Bệnh viện Nguyễn Tri Phương tiếp tục điều trị.
Trong đó, bệnh nhân N.T.S. là nặng nhất, phải đặt nội khí quản ngay khi nhập viện. Người bệnh có dấu hiệu vật vã, da xanh tái, tím môi và các ngón tay chân, nước tiểu màu nâu sậm. Khi bác sĩ lấy máu động mạch để xét nghiệm thì phát hiện máu chuyển sang màu nâu đen.
Còn bệnh nhân N.C.D. được chuyển đến Bệnh viện Trưng Vương khi vào giai đoạn rất nặng, người bệnh bị tím môi, đầu ngón tay chân, nước tiểu màu nâu sậm. Các bác sĩ cho biết, người bệnh cần được truyền tĩnh mạch Blue Methylene - thuốc đặc trị cho bệnh nhân bị Methemoglobin.
Bệnh viện Trưng Vương đã liên hệ ngay Bệnh viện Nhi Đồng 1 để nhờ hỗ trợ thuốc, ngay lập tức được chia sẻ 8 ống Blue Methylene, nhờ đó bệnh nhân qua nguy kịch.
Qua khai thác thông tin, trong khoảng từ 15h - 16h30, ngày 9/8, khi đang bốc xếp bột xử lý nước PAC tại một công ty tại huyện Bình Chánh, 5 người này ngửi thấy có mùi lạ, sau đó đau đầu, khó thở, được đưa đến Bệnh viện huyện Bình Chánh.
PAC là loại hóa chất keo tụ, chất trợ lắng trong xử lý nước cấp, nước thải, nước nuôi trồng thủy sản, giúp kết lắng các hợp chất keo tụ và các chất lơ lửng, loại bỏ chất hữu cơ, vi khuẩn, virus có trong nước. Hóa chất PAC chứa hàm lượng nhôm tới 28 – 32% đem đến khả năng keo tụ các cặn bẩn trong nước một cách hiệu quả mà không gây hại đến môi trường.
Hiện nay, hóa chất PAC được sản xuất với số lượng lớn và sử dụng phổ biến tại các nước châu Á thay thế hoàn toàn cho phèn nhôm sunfat. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc với hàm lượng lớn hóa chất này có thể gây ra một vài ảnh hưởng như: hô hấp khó khăn, thở gấp, đau họng…; sưng, tấy đỏ mắt; kích thích da gây ngứa, rát, nổi mụn; hệ tiêu hoá bị ngộ độc: nôn mửa, đau dạ dày, tiêu chảy…