Cụ thể, UBND TP. HCM thống nhất các nội dung liên Sở Tài Chính – TNMT xin ý kiến tại Tờ trình số 6540 về dự thảo quyết định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 và ý kiến của các đơn vị.
Theo đó, về hệ số điều chỉnh giá đất năm 2020 thì căn cứ vào giá đất phổ biến trên thị trường, điều kiện kinh tế - xã hội ở địa phương và bảng giá đất, UBND cấp tỉnh quy định, quyết định hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể.
Trước đó, 3 Sở có phụ trách đã có tờ trình dự thảo quyết định hệ số điều chỉnh giá đất năm 2022 trên địa bàn TP. HCM và kiến nghị giữ nguyên hệ số số điều chỉnh giá đất năm tới như năm 2021.
Theo Tờ trình phương pháp định giá đất phải phù hợp thị trường. Tuy nhiên, hiện nếu điều chỉnh hệ số điều chỉnh giá đất quá cao (theo giá thị trường) sẽ tạo đột biến, gây khó khăn cho người sử dụng đất và an sinh xã hội vốn đã bị ảnh hưởng do dịch bệnh.
Bên cạnh đó, dịch đã tác động lớn đến kinh tế - xã hội của thành phố và ảnh hưởng trực tiếp các doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất. Việc điều chỉnh tăng cục bộ một số khu vực sẽ dẫn đến so bì, khiếu nại của người sử dụng.
Quá trình lấy ý kiến, Sở Tài chính và Sở TNMT đưa ra 2 phương án: Giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất như năm 2021 và tăng 0,5%. Hầu hết đơn vị liên quan đồng tình phương án 1, vì vậy 2 Sở này đề nghị TP chọn phương án giữ nguyên hệ số điều chỉnh giá đất cho năm tới.
TP. HCM phân làm 5 khu vực để áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất. Khu vực 1 gồm: Quận 1, 3, 4, 5, 10, 11, Tân Bình, Phú Nhuận. Khu vực 2 gồm: TP. Thủ Đức, quận 6, 7, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Phú. Khu vực 3 gồm: Quận 8, 12, Bình Tân. Khu vực 4 gồm: Huyện Bình Chánh, Củ Chi, Nhà Bè, Hóc Môn. Khu vực 5 là Huyện Cần Giờ.
Hệ số điều chỉnh giá đất năm 2021 ở TP. HCM cao nhất là 2,5 lần so với bảng giá đất của thành phố ban hành ở khu vực 1. Hệ số thấp nhất là 1,5 lần ở khu vực 5. Đất của hộ gia đình, cá nhân có hệ số 1,5 lần cho tất cả khu vực.
Như vậy, đây là năm thứ 4 thành phố không thay đổi hệ số điều chỉnh giá đất.