Những chiếc U-oát (UAZ) mui trần cũ được nhiều khách nước ngoài lựa chọn để trải nghiệm du lịch, khám phá Thủ đô. Theo quan sát, xe UAZ nêu trên đều đã cũ, có biển số ngoại tỉnh, được tân trang ngoại hình, nội thất, tháo khung bạt, kính chắn gió không để cố định mà sửa thành có thể gập lên xuống và sơn sửa lại.
Được biết, những chiếc xe UAZ này do Hanoi Backstreet Tours (văn phòng tại 3B phố Hàng Tre, phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) khai thác. Gọi điện thoại đến văn phòng, phóng viên được giới thiệu tour 2 tiếng giá 800.000 đồng/người; tour 4 tiếng là 1.175.000 đồng/người.
Thấy một chiếc xe đỗ bên lề đường Lê Duẩn, phóng viên tiến đến hỏi chuyện nhóm du khách Hà Lan. Một người nói rất thích thú, ngồi trên xe có thể ngắm vẻ đẹp của Thủ đô. Tuy nhiên, lái xe mang biển số 17A 027.37 có vẻ không muốn câu chuyện kéo dài thêm, đã hối thúc mọi người lên xe rồi chuyển bánh.
Trung tá Nguyễn Ngọc Tiến, Tổ trưởng Tổ xử lý vi phạm trật tự ATGT, Đội CSGT Đường bộ số 1, cho biết, đơn vị này đã chủ động nắm tình hình, kịp thời xử lý vi phạm trật tự ATGT liên quan hoạt động của xe UAZ trên địa bàn; tập trung xử lý hành vi vi phạm như dừng, đỗ không đúng quy định, không có kính chắn gió hoặc kính chắn gió không tác dụng.
“Từ đầu năm 2023 đến nay, đơn vị xử lý 68 trường hợp vi phạm, phạt tổng số tiền 20.700.000 đồng đối với những phương tiện nêu trên. Cùng đó, chúng tôi yêu cầu lái xe ký cam kết chấp hành nghiêm Luật Giao thông Đường bộ. Hàng ngày, lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát trên các tuyến, sẽ xử lý theo quy định trường hợp vi phạm”, ông Tiến khẳng định.
Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam (Bộ Giao thông Vận tải), UAZ là xe con nên không chịu quy định về niên hạn sử dụng. Tuy nhiên, đối với ô tô chở người các loại đến 9 chỗ có kinh doanh vận tải, thời gian sản xuất trên 5 năm trở lên, chu kỳ đăng kiểm là 6 tháng/ lần. Điều này được quy định tại Phụ lục V ban hành kèm Thông tư 2/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải.
Đồng thời, theo khoản 2, Điều 26, Thông tư 58/2020/TT-BCA của Bộ Công an, xe đang hoạt động kinh doanh vận tải phải thực hiện đổi sang biển số nền màu vàng, chữ và số màu đen trước ngày 31/12/2021. Từ ngày 31/12/2021, tất cả xe kinh doanh không đổi sang biển số vàng sẽ vi phạm lỗi "không thực hiện đúng quy định về biển số", quy định tại điểm đ, khoản 7, Điều 30, Nghị định 100/2019/NĐ-CP; bị phạt tiền từ 4 triệu đến 8 triệu đồng đối với tổ chức sở hữu xe. Tuy nhiên, những chiếc ô tô chở khách du lịch nêu trên vẫn mang biển số màu trắng và chưa bị xử lý?
Trước thực trạng đó, để bảo đảm an toàn giao thông, cần có sự vào cuộc của liên ngành Sở Du lịch Hà Nội, Sở Giao thông Vận tải, Công an TP Hà Nội, kiên quyết xử lý phương tiện không đủ điều kiện kinh doanh vận tải.
Điều 4 Nghị định 95/2009/NĐ-CP quy định niên hạn sử dụng ô tô chở hàng và ô tô chở người, được ban hành ngày 30/10/2009 và Thông tư hướng dẫn số 21/2010 của Bộ Giao thông Vận tải ngày 10/8/2010, niên hạn sử dụng ô tô được quy định như sau:
- Thời hạn sử dụng ô tô chở hàng là 25 năm.
- Thời hạn sử dụng ô tô chở người trên 10 chỗ ngồi là 20 năm.
- Thời hạn sử dụng đối với ô tô chở người 9 chỗ (gồm cả người lái) không có niên hạn sử dụng.
Dù là xe chở khách du lịch, những chiếc xe như này dù có kính chắn gió nhưng không để cố định mà gập xuống để lưu thông, mang biển số xe màu trắng.
Những chiếc xe len lỏi trong từng con ngõ, phố nhỏ ở Hà Nội.
Nhiều du khách trên xe tỏ ra thích thú khi được trải nghiệm dịch vụ này.
Đôi khi, lái xe kiêm luôn nhiệm vụ của hướng dẫn viên. Họ thường không được đào tạo một cách bài bản, chỉ làm theo kinh nghiệm của bản thân.
Tùy theo nhu cầu của du khách, các điểm đến tham quan sẽ khác nhau.
Những chiếc xe này đều mang biển số ngoại tỉnh, được mua về sửa chữa, tân trang và sử dụng vào mục đích chở khách du lịch.
Các du khách không thắt dây an toàn khi ngồi trên xe.
Rất cần sự vào cuộc của cơ quan chức năng đối với dịch vụ đưa du khách tham quan trên xe UAZ. Chỉ có những xe đủ điều kiện mới được vận hành nhằm đảm bảo an toàn cho du khách và người tham gia giao thông.