Top sinh vật độc-dị-lạ mới được phát hiện ở Việt Nam
T.B (tổng hợp)
Trong vài năm trở lại đây, các nhà khoa học đã phát hiện được nhiều loài động vật và thực vật mới có đặc điểm sinh học độc đáo ở Việt Nam. Sau đây là một số loài đáng chú ý.
Cóc răng núi Pờ Ma Lung (Oreolalax sterlingae). Được phát hiện tại vùng núi cao Pờ Ma Lung ở Lai Châu, Việt Nam, loài cóc này có đặc trưng là các đốm đen, kem, xám trên da và răng nhỏ trong vòm miệng. Ảnh: Thành Luân.
Ếch rêu Khôi (Theloderma khoii). Đây là một loài ếch được phát hiện tại vùng núi đá vôi Đông Bắc Việt Nam. Màu xanh rêu giúp chúng ngụy trang tốt trong môi trường đầy rêu và địa y. Ảnh: Ninh, Nguyen, Nguyen, Hoang, Siliyavong, Nguyen, Le, Le & Ziegler.
Rắn tia nắng (Xenopeltis intermedius). Được phát hiện tại Trường Sơn, Việt Nam, loài rắn này có vảy óng ánh tạo hiệu ứng lấp lánh. Chúng được ghi nhận ở độ cao lên đến 2.500 mét. Ảnh. Orlov, Snetkov, Ermakov, Nguyen & Ananjeva.
Thằn lằn bóng Subdoluseps vietnamensis: Loài thằn lằn mới này được tìm thấy ở các khu rừng miền Nam Việt Nam, đặc biệt ở những vùng rừng keo và đồn điền cao su. Khả năng đào hang dưới cát giúp nó chống chọi với kẻ thù và đám cháy rừng hiệu quả. Ảnh: Jake Smith.
Cá cóc sần Ngọc Linh (Tylototriton ngoclinhensis). Được phát hiện ở khu vực Tây Nguyên, cá cóc sần Ngọc Linh là một trong những loài có màu sắc sặc sỡ nhất trong chi Tylototriton, và cũng là lần đầu tiên loài cá cóc được ghi nhận ở Tây Nguyên. Ảnh: Phung, Pham, Nguyen, Ninh, Nguyen, Bernardes, Le, Ziegler & Nguyen.
Hoa mây (Xephoanthus nubigenus). Loài hoa mới này được phát hiện trên cao nguyên Lang Biang, tỉnh Lâm Đồng. Tên gọi "hoa mây" bắt nguồn từ việc loài này sống trong các khu rừng mây phủ quanh năm. Ảnh: Tian-Chuan Hsu.
Hoa đỗ quyên Rhododendron tephropeploides. Đây là một loài hoa đỗ quyên mới, được tìm thấy trên đỉnh núi Phan Xi Păng, thuộc dãy Hoàng Liên Sơn, Lào Cai. Chúng có những bông hoa màu trắng đẹp mắt. Ảnh: Richard Baines.