Theo các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, người bệnh tiểu đường có thể ăn vặt. Tuy nhiên, người bệnh tiểu đường type 2 có nguy cơ béo phì, mắc các bệnh mãn tính như bệnh tim cao hơn người bình thường nên cần lựa chọn đồ ăn vặt phù hợp. Người bệnh nên nhờ bác sĩ tư vấn về hàm lượng dinh dưỡng, khẩu phần ăn.
Những món ăn vặt đảm bảo giàu chất dinh dưỡng, giữ đường huyết ổn định, không tăng cân. Người bệnh nên chọn thực phẩm dễ tiêu hóa, chứa 15-45 g carbohydrate cho mỗi lần ăn. Người hoạt động thể lực nhiều có thể ăn vặt hai lần một ngày. Người ít hoạt động thể lực ăn một lần một ngày. Tổng đồ ăn vặt trong một lần khoảng một nắm tay.
Top 7 món ăn vặt thích hợp với người bệnh tiểu đường. Ảnh minh họa |
Dưới đây là một số món ăn vặt lành mạnh, giàu protein, chất xơ và chất béo lành mạnh, giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định, tốt cho người bệnh tiểu đường:
Đậu rang
Đậu rang là món ăn nhẹ giòn, thỏa mãn, giàu chất xơ và protein, cả hai đều giúp kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách làm chậm quá trình tiêu hóa và hấp thụ đường. Đậu cũng là nguồn cung cấp sắt, magiê và folate dồi dào, rất quan trọng cho quá trình sản xuất năng lượng và sức khỏe tổng thể.
Trứng luộc
Lòng trắng trứng rất giàu protein, trong khi lòng đỏ trứng là nguồn cung cấp choline, một chất dinh dưỡng giúp thúc đẩy hoạt động bình thường của tế bào, chức năng gan và vận chuyển chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể.
Mặc dù trứng là một nguồn protein tuyệt vời và nhiều chất dinh dưỡng quan trọng khác, nhưng chúng cũng chứa lượng cholesterol. Do đó, bạn nên cân nhắc khi sử dụng trứng làm món ăn vặt hằng ngày.
Phô mai
Một khẩu phần phô mai tươi 1% chất béo sữa (tương đương 113 gam hoặc nửa cốc) chứa 80 calo và 28 gam protein.
Phô mai tươi là loại phô mai không trải qua quá trình ủ hoặc làm chín, nó có hương vị rất nhẹ so với phô mai lâu năm.
Phô mai tươi chứa ít calo và giàu protein, đồng thời cũng là nguồn cung cấp vitamin B12, canxi và sắt tuyệt vời.
Sữa chua không đường
Hiệp hội Tiểu đường Hoa Kỳ (ADA) khuyên người bị tiểu đường nên sử dụng sữa chua trong chế độ ăn uống lành mạnh. Loại sữa chua nên được chọn là sữa chua ít béo.
Có nhiều loại sữa chua khác nhau có thể kể đến như:
Sữa chua hữu cơ: được làm từ sữa hữu cơ hoặc từ các thành phần hữu cơ khác nhau.
Sữa chua không đường:
Sữa chua thuần chay: loại sữa này có thể chứa hoặc không chứa canxi, vitamin D, một số loại như sữa chua đậu nành, hạnh nhân, hạt điều, yến mạch, …
Một số loại sữa chua có thể chứa thêm đường, vì vậy người bệnh cần kiểm tra thành phần trước khi tiêu thụ để tránh bổ sung quá nhiều calo và chất béo vào chế độ ăn uống.
Người bị tiểu đường cũng có thể kết hợp sữa chua với các loại trái cây như việt quất, dâu tây, nho hoặc sử dụng trái cây sấy khô không đường để làm món ăn ngon và dinh dưỡng.
Socola nguyên chất
Socola nguyên chất, hay còn gọi là sô cô la đen, chứa nhiều chất chống oxy hóa. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, socola nguyên chất có tiềm năng giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim và huyết áp cao.
Đối với người bị tiểu đường, việc tiêu dùng một lượng nhỏ Socola nguyên chất có thể mang lại lợi ích cho sức khỏe.
Quả bơ
Với bệnh nhân đái tháo đường, ăn nhẹ bằng quả bơ có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Hàm lượng chất xơ cao và axit béo không bão hòa đơn trong quả bơ khiến chúng trở thành một loại thực phẩm thân thiện với bệnh nhân đái tháo đường. Những yếu tố này có thể ngăn lượng đường trong máu của bạn tăng đột biến sau bữa ăn.
Một nghiên cứu cho thấy, những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 thường xuyên tiêu thụ các nguồn axit béo không bão hòa đơn trong chế độ ăn uống đã giúp cải thiện đáng kể lượng đường trong máu của họ.
Vì bơ có hàm lượng calo khá cao, nên tốt nhất bạn nên chọn khẩu phần ăn từ 1/4 đến 1/2 quả bơ mỗi lần.
Táo cắt lát với bơ đậu phộng
Táo cắt lát kết hợp với bơ đậu phộng tạo thành một món ăn nhẹ ngon và lành mạnh, rất tốt cho những người mắc bệnh đái tháo đường.
Táo giàu chất dinh dưỡng, bao gồm vitamin B, vitamin C và kali, trong khi bơ đậu phộng cung cấp một lượng đáng kể vitamin E, magiê và mangan, tất cả đều được biết là giúp kiểm soát bệnh đái tháo đường.
Cả táo và bơ đậu phộng cũng rất giàu chất xơ. Một quả táo trung bình kết hợp với khoảng 28g bơ đậu phộng cung cấp gần 7g chất xơ, giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Táo đã được nghiên cứu đặc biệt về vai trò tiềm năng của chúng trong việc kiểm soát bệnh đái tháo đường. Các chất chống oxy hóa polyphenol trong chúng được cho là có tác dụng bảo vệ các tế bào tuyến tụy khỏi bị hư hại thường làm trầm trọng thêm bệnh đái tháo đường.
Có thể thử kết hợp các loại trái cây khác với bơ đậu phộng, chẳng hạn như chuối hoặc lê, để có những lợi ích sức khỏe tương tự.