Trong số 26 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, có tới 11 ngân hàng ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu trên 100%. Điều này cho thấy nhiều ngân hàng đã chủ động tăng khả năng phòng thủ vượt mức nợ xấu đã phát sinh.
Theo đó, tỷ lệ bao phủ nợ xấu tại nhiều ngân hàng tăng mạnh đạt mức kỷ lục, có nơi vượt 400%.
Cụ thể, Vietcombank hiện là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất toàn hệ thống với 424%, tăng 56% so với cuối năm trước.
MB tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức 268%. Đây là tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao thứ 2 trong hệ thống và chỉ đứng sau Vietcombank.
Trước đó, cuối quý 4/2021, nợ tái cơ cấu của ngân hàng mẹ MB ở mức 3.600 tỷ đồng và ngân hàng đã trích lập dự phòng 100% nợ tái cơ cấu, mà không cần phân bổ 3 năm theo quy định.
Tại ACB, ngân hàng đã mạnh tay bổ sung bộ đệm nợ xấu lên 5.862 tỷ đồng, qua đó nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu từ mức 160% lên 209%.
Ngoài các ngân hàng kể trên, Top 10 ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu cao nhất năm 2021 còn bao gồm VietinBank (180%), SHB (170%), Techcombank (163%), Bac A Bank (162%), TPBank (153%) và Sacombank (121%).
Đặc biệt, có 7 ngân hàng đã giảm tỷ lệ bao phủ nợ xấu trong năm vừa qua có thể kể đến như Nam A Bank (giảm 35%), NCB (giảm 20%), HDBank (giảm 9%), Techcombank và VIB đều giảm 8%,...
Báo cáo cập nhật về ngành ngân hàng mới đây thấy cho việc chủ động trích lập dự phòng, giúp cải thiện tỷ lệ bao phủ nợ xấu, qua đó sẽ giúp ngân hàng giảm áp lực trích lập dự phòng cho khoảng thời gian tiếp theo.
Tuy nhiên, các chuyên gia cũng giữ quan điểm cẩn trọng về rủi ro tín dụng đối với các ngân hàng yếu kém hoặc các ngân hàng có bộ đệm trích lập dự phòng mỏng.