<div> <p>Chiều 10/6, Tổng thư ký Quốc hội <span>Nguyễn Hạnh Phúc</span> cùng ông Bùi Sỹ Lợi, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội chủ động xuống trung tâm báo chí để cung cấp, làm rõ thông tin liên quan đến dự luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sắp được biểu quyết thông qua.</p> <p>Theo lý giải của Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, việc cung cấp thông tin này nhằm làm rõ những “hiểu lầm” của dư luận về dự luật như thời gian qua.</p> <p>Dù không được các đại biểu Quốc hội thống nhất trong việc đưa quy định liên quan đến việc uống rượu, bia của người điều khiển phương tiện giao thông vào trong luật, Tổng thư ký Quốc hội nhấn mạnh quy định của luật hiện hành, như Luật Giao thông đường bộ, đã rõ nên có thể căn cứ vào đây để xử lý.<strongr></strongr></p> <table align="center"> <tbody> <tr> <td><img alt="Tong thu ky Quoc hoi: 'Lam sao lobby duoc gan 500 dai bieu' hinh anh 1 " src="https://khds.1cdn.vn/2019/06/10/nguyen_hanh_phuc__tong_thu_ky_quoc_hoi_2_zing(1).JPG" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption">Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc. Ảnh: <em>Minh Quân.</em></td> </tr> </tbody> </table> <p>Hướng được đưa ra, theo ông Phúc, là trong nghị quyết chung về kỳ họp, Quốc hội sẽ giao <span>Chính phủ</span> nghiên cứu tăng mức xử phạt với tài xế uống rượu bia lái xe. Ví dụ, có thể quy định tước GPLX với thời gian dài hơn hoặc tước vĩnh viễn.</p> <p>Trước câu hỏi về việc hiếm có dự án luật nào dư luận xôn xao có nhóm lợi ích tác động như vậy, ông Bùi Sỹ Lợi (đại diện cơ quan thẩm tra) cho rằng về lợi ích, các đơn vị lobby "là quyền của người ta, nhưng quan trọng là phải đảm bảo lợi ích cân bằng giữa các bên, không thể thiên về bên nào".</p> <p>Bên cạnh đó, xuất hiện ý kiến phản ánh đại biểu Quốc hội được doanh nghiệp rượu, bia mời đi tham quan ở châu Âu nên về phát biểu ủng hộ. Vậy đâu là quy định để ngăn chặn nhóm lợi ích đó tác động đến đại biểu?</p> <p>Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi chia sẻ chính ông cũng được đặt trong nhóm “nhóm vận động cho lợi ích của doanh nghiệp rượu, bia”. Thậm chí, ông thừa nhận được rất nhiều doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài mời chủ trì hội thảo. "Tôi không dự cuộc nào", ông Lợi khẳng định.</p> <p>Ông Lợi nhấn mạnh nguyên tắc đại biểu không được để cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức mời đi với tư cách nghiên cứu mang tính chất lobby. Nhưng Bộ Y tế mời với tư cách nghiên cứu về chính sách, kinh nghiệm thì Ủy ban có cử đi.</p> <p>"Đại biểu đi mà doanh nghiệp, tổ chức mời không phải để nghiên cứu chính sách, có tính chất lobby thì không đúng tinh thần. Quốc hội không cho phép như vậy”, ông Lợi nhấn mạnh.</p> <p>Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc nói thêm có thể vài đại biểu đi khảo sát, nhưng nếu nói về việc vận động thì “làm sao mà lobby được gần 500 đại biểu Quốc hội”. Ông khẳng định quy trình xây dựng luật rất chặt chẽ, muốn cũng không được. </p> <p>“Tôi nghĩ không có chuyện như thế. Anh đi về rồi bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp thì không phải. Chúng ta phải cân bằng, đảm bảo quyền lợi của người dân, doanh nghiệp, Nhà nước”, ông Phúc nêu quan điểm.</p> <p>Đứng từ phía cơ quan thẩm tra, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết thêm đến nay cơ quan soạn thảo luật đã cơ bản tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội để tăng cường, ngăn chặn lạm dụng rượu bia gây ra tai nạn giao thông. Ông cho biết theo đề nghị của Thủ tướng, sẽ có lộ trình tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm rượu, bia.</p> <p>Cùng với đó, luật sẽ quy định khuyến khích các giải pháp cấm người tham gia giao thông điều khiển tất cả các loại phương tiện khi sử dụng đồ uống có cồn. “Điều này sẽ không có tính chất pháp lý cao mà chỉ mang tính chất khuyến khích, tuyên truyền, giáo dục”, ông Lợi nói.</p> <br /> </div> <p> </p>