Tài liệu, được đăng tải trên Cổng thông tin Pháp lý Chính phủ Nga ngày 16/11 viết: “Chấp nhận đề nghị của Chính phủ Liên bang Nga về việc ký thỏa thuận giữa Liên bang Nga và Cộng hòa Sudan với nội dung thành lập một trung tâm hậu cần kỹ thuật cho Hải quân Nga trên lãnh thổ nước Cộng hòa Sudan”.
Sắc lệnh ghi rõ: “Chỉ thị cho Bộ Quốc phòng thay mặt cho Liên bang Nga ký thỏa thuận này”.
Nga và Sudan trước đó đã thảo luận về dự thảo văn bản, được ghi nhận bằng chữ ký của Thủ tướng Mikhail Mishustin, đăng tải trên cổng thông tin Pháp lý Chính phủ ngày 11/11.
Thỏa thuận dự kiến có hiệu lực trong 25 năm với khả năng gia hạn thêm nếu các bên đều có nhu cầu.
Tài liệu nhấn mạnh rằng "trung tâm hậu cần kỹ thuật" là một căn cứ quân sự của Lực lượng vũ trang Nga với trang thiết bị đặc chủng, các phương tiện hỗ trợ sự sống, cung cấp bãi đậu và sửa chữa chiến hạm Nga cùng các kho tàng vật tư và công trình kỹ thuật.
Theo dự thảo thỏa thuận giữa hai nước, Nga sẽ có cơ hội triển khai các chiến hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân đến căn cứ hải quân Sudan, số lượng nhân viên căn cứ này tối đa là 300 người, số lượng tối đa chiến hạm Nga được phép đồng thời tại trung tâm hậu cần kỹ thuật là 4 chiếc, bao gồm cả chiến hạm có trạm nguồn hạt nhân, đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn hạt nhân và môi trường.
Các chiến hạm Nga tại quân cảng Tartus Syria |
Phía Nga sẵn sàng viện trợ không hoàn lại vũ khí và trang thiết bị quân sự cho Sudan theo các thỏa thuận riêng biệt, tổ chức lực lượng phòng không cho căn cứ hải quân Port Sudan, dự thảo thỏa thuận song phương ghi rõ.
Nga cũng sẽ có thể sử dụng không phận nước Cộng hòa Sudan cho những chuyến bay của không quân hải quân, thực hiện thỏa thuận này. Nga cũng có quyền triển khai các trạm kiểm soát quân sự theo yêu cầu thực tế ở Sudan để bảo vệ trung tâm hậu cần kỹ thuật hải quân.
Phía Sudan sẽ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài biên giới của trung tâm hậu cần của Hải quân Nga, quân đội Nga sẽ đảm bảo việc bảo vệ hải giới vùng nước của căn cứ Hải quân, đảm bảo phòng không căn cứ trong tầm bắn hiệu quả của các vũ khí trang thiết bị hiện tại, bảo vệ an ninh trong căn cứ, duy trì quân luật Nga trong cơ sở.
Có được một căn cứ hải quân ở Sudan, Nga sẽ tăng cường sự hiện diện ở châu Phi và mở rộng khả năng hoạt động của lực lượng, cựu Tham mưu trưởng Hải quân Nga, Đô đốc nghỉ hưu Viktor Kravchenko cho biết.
“Trên thực tế, Nga sẽ có một căn cứ trên Biển Đỏ. Đây là một khu vực căng thẳng. Sự hiện diện của hải quân Nga ở đó rất cần thiết. Tất nhiên, vùng hoạt động của Hải quân Nga sẽ tăng lên, ” Kravchenko nói: “Các chiến hạm Nga có thể đi vào căn cứ ở Sudan, thực hiện nhiệm vụ sửa chữa, bảo trì bảo dưỡng và tiếp nhiên liệu. Các chiến hạm Nga liên tục trực sẵn sàng chiến đấu ở khu vực này và rất cần một căn cứ trong khu vực, ”.
Theo cựu đô đốc, trung tâm hậu cần kỹ thuật Nga ở Sudan có ý nghĩa quan trọng đối với hải đoàn Nga, thực hiện nhiệm vụ chống cướp biển và bảo vệ các đoàn tàu vận tải thương mai.
Kravchenko nói: “Trong tương lai, trung tâm hậu cần ở Sudan có thể trở thành một căn cứ hải quân. Nga hiện đang duy trì căn cứ hải quân tại cảng Tartus của Syria, thực hiện nhiệm vụ chống khủng bố cho quốc gia này và bảo vệ lợi ích của Nga.
Ngày 30/9, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết, căn cứ hải quân Tartus có khả năng tiếp nhận hàng chục tàu chiến, bao gồm cả tàu ngầm tuần dương tên lửa.
“Căn cứ quân sự Nga trong lãnh thổ nước Cộng hòa Ả rập Syria ở Tartus, là một trung tâm hậu cần kỹ thuật lớn của Hải quân Nga. Thực hiện nhiệm vụ bảo dưỡng và sửa chữa nhỏ các chiến hạm và tàu vận tải, ” tướng Shoigu giải thích.
Hiện một hải đoàn Nga thường trực trên Biển Địa Trung Hải. Cụm hải quân tấn công có 15 tàu chiến và tàu hậu cần kỹ thuật, theo văn phòng báo chí của Hạm đội Biển Đen. Trong một ý nghĩa khác, Nga đang sẵn sàng cho một nhiệm vụ chống khủng bố mới ở Sudan khi tình huống yêu cầu.
Các tàu khu trục nhỏ của Nga, cũng như các tàu ngầm diesel từ đội hình thường trực của Hải quân Nga ở Biển Địa Trung Hải, đã nhiều lần sử dụng tên lửa hành trình Kalibr để tấn công các chiến binh thánh chiến ở Syria.