<div> <div class="col"> <div class="text-long"> <p>Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 29/1 đã ký luật gia hạn Hiệp ước giữa Liên bang Nga và Mỹ về các biện pháp tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (START, còn gọi là START -3) đến ngày 5/2/2026. Luật có hiệu lực kể từ ngày được công bố chính thức.</p> <figure class="gallery-embed embedded-entity image process-filter-image align-center" role="group"> <div> <article> <div><picture><img alt="Tổng thống Nga V.Putin. Nguồn: Tass" src="https://khds.1cdn.vn/2021/01/30/media-vov-vn_putin_0.jpg" /></picture></div> </article> </div> <figcaption>Tổng thống Nga V.Putin. Nguồn: Tass</figcaption> </figure> <p>Theo Điện Kremlin, “việc gia hạn hiệp ước đáp ứng lợi ích quốc gia của Liên bang Nga, cho phép duy trì tính minh bạch và khả năng dự đoán của các mối quan hệ chiến lược giữa Nga và Mỹ, duy trì sự ổn định chiến lược trên thế giới, có lợi đối với tình hình quốc tế và thúc đẩy sự phát triển của tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân”.</p> <p>Nga và Mỹ đã ký Hiệp ước START-3 năm 2010, có hiệu lực từ ngày 5/2/2011. Hiệp ước quy định mỗi bên sẽ giảm kho vũ khí hạt nhân của mình để trong 7 năm và trong tương lai, tổng số vũ khí không vượt quá 700 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm và máy bay ném bom hạng nặng, cũng như 1.550 đầu đạn và 800 bệ phóng.</p> <p>Theo thời hạn ký trước đó, Hiệp ước hết hiệu lực vào ngày 5/2 năm nay. Moscow đã nhiều lần kêu gọi Washington không trì hoãn việc giải quyết vấn đề gia hạn Hiệp ước và coi hiệp ước là “tiêu chuẩn vàng” trong lĩnh vực giải trừ vũ khí. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Mỹ tiền nhiệm Donald Trump cho biết, họ không có ý định gia hạn thỏa thuận theo hình thức hiện tại, đồng thời gọi đây là một "thỏa thuận tồi". Nhà Trắng cũng đề xuất mở rộng số lượng bên tham gia hiệp ước bằng cách mời Trung Quốc tham gia, nhưng Bắc Kinh bác bỏ ý kiến này.</p> <p>Chính quyền của Tổng thống Joe Biden đã đưa ra quan điểm ngược lại về vấn đề này. Vào ngày 22/1, thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki thông báo rằng, Mỹ ủng hộ việc gia hạn hiệp ước trong 5 năm.</p> <p>Ngày 26/1, Moscow và Washington đã trao đổi công hàm về việc đạt được thỏa thuận gia hạn Hiệp ước. Cùng ngày, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã bày tỏ sự hài lòng về việc này. Ngay sau đó, nhà lãnh đạo Nga đã đệ trình lên Duma Quốc gia dự luật về việc phê chuẩn thỏa thuận gia hạn Hiệp ước START-3 thêm 5 năm, đến ngày 5/2/2026. Ngày 27/01/2021, cả Duma quốc gia (Hạ viện) và Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga đã nhất trí thông qua.</p> <p>Giới quan sát cho rằng, việc gia hạn Hiệp ước START-3 thêm 5 năm nữa sẽ cho phép Nga và Mỹ tiếp tục thảo luận về kiểm soát vũ khí - cả chiến lược và chiến thuật, hạt nhân và phi hạt nhân, để đàm phán về sự ổn định chiến lược và có thể là về cắt giảm vũ khí, với sự tham gia của các bên thứ ba vào các cuộc đàm phán này./.</p> </div> </div> </div> <p> </p>