<div> <div> <p>Tổng Cục Hải quan (Bộ Tài chính) ngày 17-4 lên tiếng cho rằng Bộ Tài chính đã có nhiều lần tham vấn ý kiến với Bộ Công Thương nhưng không được tiếp thu.</p> <p>Cụ thể, tại công văn số 3905/BTC-QLG ngày 3-4, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục cho xuất khẩu <span>gạo</span> nếp, gạo đồ, gạo hữu cơ, gạo thơm; tạm dừng xuất khẩu gạo tẻ thường đến hết 15-6 để bảo đảm mua đủ gạo dự trữ quốc gia.</p> <p>Ngày 10-4, Bộ Tài chính lại có công văn số 4355/BTC-QLG với nội dung nhiều doanh nghiệp (DN) đã được phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu với Cục Dự trữ Nhà nước khu vực nhưng có văn bản từ chối ký hợp đồng hoặc không đến ký hợp đồng với số lượng 160.300 tấn. Do vậy, Bộ Tài chính đề nghị chỉ cho phép xuất khẩu gạo đối với những DN đã trúng thầu và phải ký hợp đồng giao hàng xong. Đồng thời, chỉ thực hiện xuất khẩu gạo sau ngày 15-6.</p> <p>Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Công Thương chủ trì xây dựng lộ trình hợp lý để thực hiện xuất khẩu gạo của những hợp đồng đã ký từ tháng 6-2020 đến tháng 12-2020 phù hợp với diễn biến dịch ở Việt Nam và thế giới, phù hợp với an ninh lương thực trong bối cảnh khả năng diễn ra khủng hoảng kinh tế toàn cầu.</p> <p>Tại công văn này, Bộ Tài chính cũng nêu rõ: <i>"Phương án điều hành nêu trong dự thảo của Bộ Công Thương cho thấy DN rất bị động trong quyết định phương án kinh doanh, thậm chí phải đền bù hợp đồng do không còn số lượng được xuất".</i></p> <p>Do vậy, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án: Giao Hiệp hội lương thực Việt Nam phân bổ chỉ tiêu xuất khẩu giữa các DN, có sự giám sát của Bộ Công Thương; hoặc giao Bộ Công Thương phân bổ hạn ngạch xuất khẩu gạo trong điều kiện dịch bệnh Covid-19.</p> <p>Tuy nhiên, các ý kiến nêu trên không được Bộ Công Thương tiếp thu.</p> <p>Tổng Cục Hải quan cũng cho rằng theo Quyết định số 1106/QĐ-BCT ngày 10-4 của Bộ trưởng Bộ Công Thương công bố hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 4, có quy định hiệu lực kể từ 0 giờ ngày 11-4. "Nhưng vào 9 giờ 30 sáng ngày 11-4, Tổng Cục Hải quan mới nhận được bản chụp do Bộ Công Thương gửi qua thư điện tử. Ngày 13-4, Tổng cục Hải quan mới nhận được bản chính thức. Căn cứ nguyên tắc quản lý hạn ngạch quy định tại Điều 2 Quyết định nêu trên, Tổng Cục Hải quan tiến hành thiết lập các chỉ tiêu thông tin trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử Hải quan để tự động theo dõi trừ lùi số lượng gạo xuất khẩu trong hạn ngạch được phép xuất khẩu và áp dụng từ 0 giờ ngày 12-4" - Tổng Cục Hải quan chỉ rõ và nhấn mạnh không có sự can thiệp của công chức hải quan.</p> <p>Dẫn số liệu đến ngày 27-3, tổng lượng gạo các DN thành viên của Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã ký hợp đồng nhưng chưa giao hàng là 1,574 triệu tấn, trong đó phải giao từ nay đến 31-5 là 1,385 triệu tấn, Tổng Cục Hải quan cho rằng trước mắt và lâu dài, nhu cầu xuất khẩu gạo của DN Việt Nam là rất lớn. Trong khi đó, tổng lượng được xuất khẩu trong tháng 4 theo Quyết định của Bộ Công Thương chỉ có 400.000 tấn.</p> <p>"Điều này dẫn đến nhiều DN không thể đăng ký tờ khai xuất khẩu được; bị động trong việc quyết định phương án kinh doanh, gặp nhiều rủi ro khi xuất khẩu, không dám ký trước hợp đồng với đối tác khi chưa biết chắc có được đăng ký để xuất khẩu không; trường hợp ký hợp đồng có thể phải bị phạt vì không giao hàng đúng hợp đồng và có thể chịu các chi phí khác liên quan đến lưu tàu, hàng tồn kho. Ngoài ra, DN cũng chịu thiệt hại do không tận dụng được cơ hội kinh doanh trong bối cảnh giá gạo xuất khẩu trên thế giới tăng cao do nhu cầu tiêu dùng, sinh hoạt của các nước chịu ảnh hưởng của dịch bệnh" - Tổng Cục Hải quan nêu quan điểm.</p> </div> </div> <p> </p>