“Khi về trường, em xin phép các thầy cô vẫn gọi em là Nguyễn Phú Trọng, cựu học sinh của nhà trường", thầy Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), xúc động kể lại.
Thầy Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội), xúc động kể lại, khi về thăm trường, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy, cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn... Chức tước như phù vân”.
Trò chuyện với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, thầy giáo Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, cho hay, những lần kỷ niệm thành lập trường, nếu không bận, Tổng Bí thư hầu như đều về dự. Thăm trường, ông luôn giữ tâm thế của học trò cũ, chứ không phải vị trí lãnh đạo cấp cao.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm thầy, cô giáo và trường cũ; đánh trống khai giảng tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều năm 2020. Ảnh: Nhà trường cung cấp.
“Về dự họp lớp với thầy cô và bạn bè, Tổng Bí thư nói: 'Xin cho em bỏ mọi chức tước bên ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò của các thầy cô ngày nào. Tôi đến đây mãi mãi là bạn học của các bạn... Chức tước như phù vân'. Sự khiêm nhường, giản dị nhưng lại hé lộ tầm vóc của một trí tuệ, nhân cách lớn”, thầy Lê Trung Kiên xúc động nói.
Năm 2020, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều tổ chức lễ kỷ niệm 70 năm thành lập. Với vai trò là hiệu trưởng, thầy Lê Trung Kiên xin được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để trực tiếp chuyển thư mời.
Tại cuộc gặp ở Văn phòng Tổng Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hỏi thăm nhiều về thầy, cô giáo cũ, các bạn học và hỏi nhà trường có mời họ đến dự không. Khi biết trường đã mời các thế hệ giáo viên, học sinh tới dự, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất vui. Điều đó cho thấy, sự ấm áp, nghĩa tình của cựu học sinh Nguyễn Phú Trọng.
Dù đang ở cương vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước nhưng Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn kính trọng xưng “em” gọi "thầy, cô".
“Tổng Bí thư đã nói với các thầy cô của trường rằng: 'Em báo cáo các thầy, các cô, bây giờ em là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nhưng khi về trường, em xin phép các thầy, các cô vẫn gọi em là Nguyễn Phú Trọng, cựu học sinh của nhà trường. Điều đó khiến tôi thực sự xúc động”, thầy Lê Trung Kiên chia sẻ.
Thầy Kiên cho hay, khi nhận tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, các thế hệ cán bộ, giáo viên, học sinh trường THPT Nguyễn Gia Thiều buồn bã, tiếc thương. Trường đã treo cờ rủ để tưởng nhớ một nhà lãnh đạo tài ba, một trí tuệ lớn, nhân cách lớn. Đặc biệt, với các thầy cô, điều đáng quý, đáng trọng ở Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn ở một tấm gương về sự tôn sư trọng đạo, giản dị, nghĩa tình.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sinh ngày 14/4/1944, ở làng Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội. Sinh ra và lớn lên ở Lại Đà, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lại có 6 năm học ở Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, quận Long Biên (từ năm 1957 đến 1963).
Chia sẻ về điều này, thầy giáo Đặng Đình Đại, học sinh Trường THPT Nguyễn Gia Thiều khóa 1964 - 1967 (sau Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng 4 khóa), nguyên Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, cho hay, thời điểm năm 1957, quê Lại Đà của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không có trường trung học.
Trung học Nguyễn Gia Thiều (thị trấn Gia Lâm lúc đó) là trường gần nhất đón nhận học sinh từ lớp 5 đến lớp 7. Ngoài học sinh ở Gia Lâm, nhiều học sinh từ Đông Anh, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng theo học tại đây.
Đến năm 1958, Trường Nguyễn Gia Thiều thành trường Phổ thông cấp 2, 3 vì có thêm lớp 8 và 9 (thêm học sinh được chuyển từ khu Hoàn Kiếm và Ba Đình sang). Đến tháng 9/1960, trường chính thức trở thành Trường Phổ thông cấp 3 Nguyễn Gia Thiều. Các lớp cấp 2 chuyển thành Trường Phổ thông cấp 2 Gia Lâm.
Như vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã học 3 năm cấp 2 (1957 - 1960) và 3 năm cấp 3 (lớp 8B, 9B, 10B từ năm 1960 đến 1963) tại Trường Nguyễn Gia Thiều. Theo các bạn đồng khóa của Tổng Bí thư kể lại, đó là những ngày tháng vượt mọi khó khăn, thiếu thốn để quyết tâm học tốt.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và bạn thời đi học cùng lời đề tặng sách "Người học trò nhỏ của thầy". Ảnh: Nhà trường cung cấp.
Từ nhà Tổng Bí thư đến trường rất xa, chỉ có thể đi bộ từ thôn Lại Đà đến bến đò Đông Trù sang Bắc Cầu, Ngọc Thụy, Gia Lâm, rồi lại đi bộ theo đê sông Hồng vào thị trấn Gia Lâm tới trường Nguyễn Gia Thiều. Đường xa nên Tổng Bí thư và các bạn đã trọ tại nhà dân quanh khu vực trường để có thêm thời gian học.
Những năm đó, đời sống nhân dân rất khó khăn, thiếu thốn, nhất là vùng nông thôn, vì thế cuộc sống của học sinh trọ học càng vất vả. Trong hoàn cảnh như vậy, Tổng Bí thư vẫn vươn lên đạt kết quả tốt trong học tập và được tập thể tín nhiệm bầu làm Lớp trưởng, Bí thư Chi đoàn.
“Thầy giáo Lê Đức Giảng, Chủ nhiệm lớp 9B, khi trò chuyện với tôi đã nói: Anh Trọng khi đi học đã là học sinh gương mẫu trong học tập, cũng như công tác lớp, chi đoàn, được bạn bè yêu mến. Anh Trọng là người học trò để lại cho tôi những ấn tượng rất đẹp về lứa học sinh đầu tiên của trường cấp 3 Nguyễn Gia Thiều", thầy giáo Đặng Đình Đại chia sẻ.
Trong ký ức thầy chủ nhiệm Lê Đức Giảng, lớp trưởng Nguyễn Phú Trọng ngày đó không chỉ hiền lành, học giỏi, mà còn có khiếu nói năng lưu loát, thuyết phục, đặc biệt là đức tính khiêm tốn, được bạn bè trong lớp thương yêu, quý trọng
Sau này, dù làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, mỗi khi vào Bình Định công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đều tranh thủ ghé thăm thầy giáo cũ. Có lần, Tổng Bí thư tặng thầy giáo một tập sách, bên dưới lời đề tặng là dòng chữ: “Người học trò nhỏ của thầy”.
Làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, nhưng với các thầy, cô giáo cũ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn luôn tự nhận mình chỉ là “Người học trò nhỏ”, một sự khiêm nhường của nhân cách lớn, xuyên suốt trong mọi hành xử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.