<div> <table> <tbody> <tr> <td><img alt="bao ve nguoi dau tranh chong tham nhung anh 1" src="https://khds.1cdn.vn/2021/01/28/znews-photo-zadn-vn_tbt_zing3.jpg" title="bảo vệ người đấu tranh chống tham nhũng ảnh 1" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption default-caption"> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Trả lời câu hỏi của<em> Zing </em>bên lề Đại hội XIII về kết quả của công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, Phó ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường khẳng định đây là dấu ấn trong nhiệm kỳ Đại hội XII.</p> <p>Ông cũng nêu nhiều giải pháp sẽ triển khai trong giai đoạn tới để tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh như kỳ vọng của nhân dân.</p> <h3>Bảo vệ người tố giác, đấu tranh chống tham nhũng</h3> <p class="question">- Là lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, ông đánh giá thế nào về kết quả của công tác chống tham nhũng trong nhiệm kỳ vừa qua?</p> <p>- Từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (tháng 2/2013), nhất là từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng được lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện quyết liệt, đạt nhiều kết quả rất quan trọng, toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội.</p> <p>Trong đó, công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán được tăng cường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh nhiều sai phạm. Có thể nói, đây là thành công lớn của cả hệ thống chính trị.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img src="https://khds.1cdn.vn/2021/01/28/znews-photo-zadn-vn_8_zing.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương cuối năm 2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh một trong những nhiệm vụ trọng tâm 2020 là chấn chỉnh, đấu tranh loại bỏ tư tưởng bàn lùi, lo ngại rằng việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng sẽ cản trở sự phát triển, làm nhụt chí. “Những ai có tư tưởng ấy thì hãy đứng sang một bên để người khác làm”, ông quán triệt.</p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và trực tiếp là Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, công tác này được đẩy mạnh toàn diện trong tất cả lĩnh vực, xây dựng các văn bản, quy chế, tổ chức các đoàn thẩm tra, đánh giá.</p> <p>Trong hội nghị tổng kết ngày 12/12/2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tái khẳng định công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng của chúng ta là không có vùng cấm, không có ngoại lệ.</p> <p>Chúng ta đã cố gắng xử lý các vụ việc liên quan đến tham nhũng thuộc cả 3 cấp độ.</p> <p>Cấp độ 1 là các vụ việc do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi chỉ đạo; cấp độ 2 là Ban Nội chính Trung ương theo dõi chỉ đạo; cấp độ 3 là các tỉnh ủy, thành ủy theo dõi chỉ đạo.</p> <p class="question">- Những kết quả trong công tác phòng chống tham nhũng được ghi nhận, đánh giá cao, nhưng cũng không thể phủ nhận cuộc chiến chống tham nhũng đã khiến một bộ phận cán bộ e ngại, lo sợ, không dám làm việc. Trung ương đã quán triệt thế nào để hạn chế tình trạng này, thưa ông?</p> <p>- Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị đã ra một chỉ thị (Chỉ thị 27) về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác bảo vệ người phát hiện, tố giác, người đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực...</p> <blockquote class="quote qright"> <p>Tôi cho rằng chắc chắn trong Đại hội XIII, sẽ có nhiều đại biểu đặt vấn đề để sớm đưa ra những cơ chế bảo vệ người đấu tranh phòng chống tham nhũng</p> <p><strong>Phó ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường </strong></p> </blockquote> <p>Chỉ thị đó đã được các cơ quan chức năng, đặc biệt là các cơ quan phòng chống tham nhũng nghiên cứu triển khai để vận dụng trong chính cơ quan của mình. Đó chính là về mặt cơ chế, luật pháp, quy định để bảo vệ người đấu tranh phòng chống tham nhũng.</p> <p>Cùng với đó là việc nghiên cứu quy định về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Quy định này đã được Ban Nội chính Trung ương lấy ý kiến rất rộng, rất nhiều trong các ban, ngành. Tôi cho rằng chắc chắn trong Đại hội XIII, sẽ có nhiều đại biểu đặt vấn đề để sớm đưa ra những cơ chế này.</p> <h3>Chống tham nhũng, phải có cán bộ liêm chính</h3> <p class="question">- Đấu tranh chống tham nhũng được nhân dân kỳ vọng. Vậy chúng ta có giải pháp gì mạnh mẽ, quyết liệt hơn trong nhiệm kỳ mới?</p> <p>- Các giải pháp đã được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo. Trong đó, Ban Nội chính Trung ương là cơ quan thường trực đã phối hợp với các ngành, trong đó có các cơ quan chống tham nhũng như Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, VKSND Tối cao, TAND Tối cao, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ… để cùng nhau nghiên cứu, đề xuất xây dựng cơ chế.</p> <p>Giải pháp số 1 để chống tham nhũng là phải xây dựng cơ chế. Để phòng, chống tham nhũng, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới đều có định hướng xử lý mạnh mẽ, không vùng cấm để cán bộ không dám tham nhũng.</p> <p>Bên cạnh đó, bằng thể chế hạn chế kẽ hở để không thể tham nhũng. Đặc biệt, có giải pháp nâng cao thu nhập chính đáng cho cán bộ, công chức, đặc biệt các lĩnh vực liên quan có thể xảy ra tham nhũng để họ không cần tham nhũng. Cố gắng tránh trường hợp vì khó khăn mà tham nhũng.</p> <blockquote class="quote qright"> <p>Phải có giải pháp nâng cao thu nhập chính đáng cho cán bộ, công chức, đặc biệt các lĩnh vực liên quan có thể xảy ra tham nhũng để họ không cần tham nhũng</p> <p><strong>Phó ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường</strong></p> </blockquote> <p>Tiếp đó, phải có được đội ngũ cán bộ liêm chính để phụng sự cho công tác đấu tranh trong lĩnh vực này.</p> <p>Giải pháp thứ ba là phải lan tỏa, tuyên truyền rộng rãi kết quả, quyết tâm của cuộc đấu tranh đến các tầng lớp nhân dân. Việt Nam cũng như nhiều nước, cần có chính sách bồi dưỡng từ nhà trường để thế hệ trẻ không có lòng tham, để “không muốn tham nhũng”.</p> <p>Giải pháp thứ tư là cần có cơ quan lãnh đạo và người đứng đầu sáng suốt, mạnh mẽ, quyết liệt. Như giai đoạn vừa qua, có thể nói Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng) là một trong những biểu tượng, tấm gương sáng trong lãnh đạo thực hiện cuộc đấu tranh chống tham nhũng.</p> <p>Cuối cùng, để thực hiện tốt công tác này, cần có sự đồng lòng của toàn dân và cả hệ thống.</p> <p class="question">- Trong đấu tranh chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng vẫn là việc hết sức khó khăn. Ông nghĩ sao về đề xuất của Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí về việc xây dựng Luật Đăng ký tài sản để thực hiện hiệu quả hơn công tác này?</p> <p>- Trong báo cáo của Viện KSND Tối cao do Viện trưởng Lê Minh Trí trình bày tại Hội nghị về công tác phòng chống tham nhũng, năm 2020 thu hồi tài sản tham nhũng chính là yếu tố khởi sắc nhất. Trong thời kỳ qua, công tác thu hồi tài sản tham nhũng đã được các cơ quan tố tụng, đặc biệt là cơ quan điều tra tổ chức ngay trong quá trình tố tụng, điều tra.</p> <table> <tbody> <tr> <td><img src="https://khds.1cdn.vn/2021/01/28/znews-photo-zadn-vn_cuong_1_11.jpg" /></td> </tr> <tr> <td class="pCaption caption"> <p>Phó ban Nội chính Trung ương Trần Quốc Cường khẳng định đấu tranh phòng chống tham nhũng là một dấu ấn trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Ảnh: <em>N.H.</em></p> </td> </tr> </tbody> </table> <p>Tức là từ giai đoạn đó đã tính ngăn chặn tẩu tán tài sản, thu hồi tài sản tham nhũng. Nhờ vậy, thành quả lớn nhất trong nhiệm kỳ qua chính là thu hồi tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ rất cao so với thời kỳ trước.</p> <p>Luật Đăng ký tài sản mà Viện trưởng VKSND Tối cao đề xuất hay các văn bản liên quan đều được các cơ quan chức năng tham gia góp ý kiến.</p> <p>Trước hết, chúng ta có Luật Phòng chống tham nhũng là luật hết sức quan trọng nên sẽ được ưu tiên thực hiện. Còn việc kê khai tài sản chúng ta cũng rất quan tâm. Để làm tốt hơn công tác này, cần kê khai tài sản thực chất, hạn chế sử dụng tiền mặt.</p> <table class="article"> <tbody> <tr> <td> </td> </tr> </tbody> </table> <table class="article"> <tbody> <tr> <td> </td> </tr> </tbody> </table> <table class="article"> <tbody> <tr> <td> </td> </tr> </tbody> </table> </div>