Tình trạng thiếu hụt i-ốt đang quay trở lại ở Việt Nam

Thiếu i-ốt dẫn đến nhiều rối loạn, bệnh lý, khiếm khuyết trong sự phát triển thể chất, trí tuệ, khả năng học tập, làm việc, đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và trẻ nhỏ.

Ngày 28/10, thông tin từ Bệnh viện Nội Tiết Trung ương cho biết, tình trạng thiếu hụt i-ốt đang quay trở lại Việt Nam.

Theo số liệu “Đánh giá tình trạng vi chất dinh dưỡng tại cộng đồng ở Việt Nam năm 2019-2020” của Viện dinh dưỡng Quốc gia giá trị trung vị i-ốt niệu ở các nhóm đối tượng nghiên cứu đều chưa đạt mức khuyến cáo của WHO (2013).

I-ốt là một vi chất dinh dưỡng hết sức cần thiết cho sự phát triển thể chất và trí tuệ của con người. Đây là thành phần thiết yếu để tổng hợp nên hormon tuyến giáp trạng có tác dụng vô cùng quan trọng trong quá trình hình thành, phát triển của bào thai, trẻ nhỏ và còn có tác dụng sinh học hết sức cần thiết trong toàn bộ thời gian sống của con người.

Cơ thể con người không tự tổng hợp được i-ốt mà phải thu nhận i-ốt từ bên ngoài vào qua thức ăn và nước uống. Môi trường sống của chúng ta ngày càng nghèo i-ốt dẫn đến các thực phẩm hàng ngày cung cấp không đủ và xảy ra tình trạng cơ thể bị thiếu i-ốt.

Thiếu i-ốt dẫn đến nhiều rối loạn, bệnh lý, khiếm khuyết trong sự phát triển thể chất, trí tuệ, khả năng học tập, làm việc, đặc biệt nguy hiểm đối với phụ nữ độ tuổi sinh đẻ và trẻ nhỏ.

Ảnh: BVCC
Ảnh: BVCC

Kết quả là năm 2005 nước ta đã thanh toán thành công tình trạng các rối loạn do thiếu i-ốt với tỷ lệ bao phủ muối i-ốt trong dân cư đạt trên 90%, tỷ lệ bướu cổ trẻ em giảm còn < 3,6% và mức i-ốt niệu trung vị đạt > 100 mcg/l.

Tuy nhiên, theo kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết Trung ương và các cơ quan, tổ chức khác như Tổng cục thống kê, UNICEF, Tổ chức Y tế thế giới tình trạng thiếu i-ốt đã có dấu hiệu quay trở lại Việt Nam.

Theo số liệu “Đánh giá tình trạng vi chất dinh dưỡng tại cộng đồng ở Việt Nam năm 2019-2020” của Viện dinh dưỡng Quốc gia giá trị trung vị i-ốt niệu ở các nhóm đối tượng nghiên cứu đều chưa đạt mức khuyến cáo của WHO (2013): ở trẻ em miền núi (90,0 mcg/l – mức khuyến cáo là 100-199 mcg/l), phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (98,9 mcg/l – mức khuyến cáo là 100-199 mcg/l), phụ nữ có thai (85,3 mcg/l – mức khuyến cáo là 150-249 mcg/l); mức trung vi i-ốt niệu của trẻ em toàn quốc (113,3 mcg/l) đạt nhưng ở mức cận dưới (mức khuyến cáo 100-199 mcg/l).

Đặc biệt, phần trăm hộ gia đình được bao phủ muối i-ốt đủ tiêu chuẩn phòng bệnh chỉ đạt 27,0% cách rất xa mức chuẩn theo WHO (2013) là 90%.

Ngày 28/01/2016 Chính phủ đã ban hành Nghị định số: 09/2016/NĐ-CP quy định về việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm, trong đó thực phẩm bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng với các nội dung được nhấn mạnh: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt.

Tuy nhiên, trước thực trạng thiếu hụt i-ốt đang quay trở lại, khuyến cáo người dân “hãy sử dụng muối i-ốt và các gia vị mặn có i-ốt trong bữa ăn hàng ngày để nâng cao hiệu quả phòng bệnh”.

Theo Đời sống
back to top