Thông tin đáng chú ý về tình hình Covid-19 hôm nay, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bình Dương. Ngày 28.9, Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cùng với thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã đến Bình Dương kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19. Làm việc tại TP.Thuận An, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý nhiều vấn đề, trong đó có phương pháp xét nghiệm diện rộng sàng lọc Covid-19, việc từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau ngày 30.9.
Phó thủ tướng yêu cầu sau ngày 30.9, phải ưu tiên cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, từng bước mở lại các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong an toàn. “Trước khi các nhà máy mở lại hoạt động sản xuất phải có phương án xử lý tình huống cụ thể. Khi phát hiện 1 F0 thì xử lý thế nào? 10 F0 thì xử lý thế nào? Phương án phải cụ thể chứ không phải khi phát hiện F0 trong doanh nghiệp là đóng cửa toàn bộ” - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nói. Về vấn đề đi lại sau ngày 30.9, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bình Dương phải có phương án cụ thể, nhất là phương án người ở Bình Dương đi về các tỉnh, thành khác.
“Bệnh viện xanh” đầu tiên tại TP.HCM hoạt động, khám cho người bệnh không nhiễm Covid-19. Ngày 28.9, sau 2 tháng rưỡi thực hiện công năng bệnh viện “tách đôi” - vừa điều trị Covid-19 và bệnh không do Covid-19, Bệnh viện Q.7 chính thức trở lại khám chữa bệnh thông thường không do Covid-19 cho người dân trên địa bàn. Bệnh viện Q.7 được xem là “bệnh viện xanh” đầu tiên trên địa bàn TP.HCM, điều trị các bệnh nhân không nhiễm Covid-19, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho người dân trên địa bàn, cũng như người dân các vùng lân cận.
Bệnh viện Q.7 có công suất 140 - 150 giường bệnh nội trú, khám ngoại trú 1.200 - 1.300 ca/ngày (trong 3 tháng qua ngoại trú mỗi ngày chỉ 100 ca bệnh). Theo TS.BS Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, "bệnh viện xanh" là bệnh viện không phải điều trị Covid-19, bệnh viện an toàn trong phòng chống Covid-19. Với bệnh viện an toàn thì phải phân luồng bệnh nhân, tránh để bệnh nhân Covid-19 lẫn lộn bệnh nhân không Covid-19 làm lây lan.
Cơ sở y tế tư nhân ở TP.HCM không được thu thêm chi phí điều trị bệnh Covid-19. Đối với bệnh Covid-19, ngân sách nhà nước chi trả chi phí khám chữa bệnh bao gồm tiền khám bệnh, tiền giường, dịch vụ kỹ thuật, thuốc, máu, dịch truyền... Bệnh viện không được thu thêm tiền của người bệnh. Đối với bệnh khác, người có thẻ BHYT được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán phần chi phí khám chữa bệnh các bệnh khác trong phạm vi được hưởng và mức hưởng BHYT. Đối với phần chi phí đồng chi trả và các chi phí ngoài phạm vi hưởng BHYT (nếu có), người bệnh phải tự chi trả theo quy định.
Người không có thẻ BHYT tự chi trả toàn bộ chi phí khám, điều trị theo mức giá dịch vụ y tế hiện hành. Các cơ sở y tế tư nhân không từ chối hoặc yêu cầu người mắc Covid-19 ký cam kết tự nguyện chi trả toàn bộ chi phí (như yêu cầu người bệnh không sử dụng ngân sách, thẻ BHYT...); không được thu thêm chi phí điều trị bệnh Covid-19 của người bệnh.
Bộ Y tế sẽ cấp mã số cho 150.000 ca test nhanh dương tính, điều trị tại nhà ở TP.HCM. Ngày 27.9, TP.HCM có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị Bộ này chấp nhận việc cấp mã số ca bệnh Covid-19 cho người có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính. Hôm nay, 28.9, đại diện Bộ Y tế cho biết ngày 20.8, Bộ phận Thường trực đặc biệt về phòng chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM đã có văn bản gửi Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM trong đó có nêu rõ: "Kết quả test nhanh dương tính được ghi nhận là F0 đối với những trường hợp được chỉ định cách ly tại nhà; và chỉ thực hiện xét nghiệm RT-PCR khẳng định đối với trường hợp đưa đến các khu cách ly y tế tập trung. Số ca dương tính hàng ngày được thống kê bao gồm cả số ca test nhanh dương tính".
Như vậy, theo hướng dẫn trên, Sở Y tế TP.HCM có trách nhiệm chủ động tổ chức thực hiện báo cáo ca bệnh Covid-19 (F0) thông qua hệ thống cấp mã số ca bệnh tự động. 150.000 ca F0 có kết quả test nhanh là các F0 có chỉ định cách ly, điều trị tại nhà, sẽ được cấp mã số ca bệnh khi cập nhật lên hệ thống. Theo Bộ Y tế, từ khi dịch bệnh xảy ra đến nay, Sở Y tế TP.HCM chưa cập nhật ca bệnh Covid-19 (F0) có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính qua hệ thống cấp mã số ca bệnh tự động.
TP.HCM cho tiêm lại lô vắc xin Pfizer FK0112 sau khi thông báo khẩn tạm ngưng. Trưa 28.9, Sở Y tế TP.HCM bất ngờ thông báo hệ thống y tế ngừng tiêm lô vắc xin Pfizer FK0112. Tuy nhiên, đến chiều cùng ngày, sở thông báo cho tiêm trở lại đối với lô vắc xin này. Lúc 17 giờ ngày 28.9, các trung tâm y tế trên địa bàn TP.HCM cho biết đã nhận được chỉ đạo mới của Sở Y tế cho phép tiếp tục tiêm vắc xin Pfizer - lô FK0112 sau khi hội đồng khoa học công nghệ đã xem xét. Bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM, cho biết trong quá trình quản lý điều hành, nếu thấy có một số vấn đề cần chấn chỉnh lại, Sở Y tế sẽ yêu cầu tạm ngưng, sau khi khắc phục những điểm theo yêu cầu của cơ quan quản lý, thì cho tiêm trở lại.
Liên quan tình hình Covid-19 hôm nay, F0 ở Hà Nội hết cách ly về nhà phát hiện tái dương tính. Theo đó, bệnh nhân là N.T.T.T, nữ, 40 tuổi, trú tại ngõ 6 Lê Lợi, Nguyễn Trãi (Q.Hà Đông). Bệnh nhân sống trong ổ dịch ngõ 326 Nguyễn Trãi, P.Thanh Xuân Trung (Q.Thanh Xuân), từ ngày 2 - 22.9 được cách ly tập trung tại khu cách ly tập trung Trường Đại học FPT. Ngày 23.9, bệnh nhân hoàn thành cách ly tập trung và về nhà chồng ở Q.Hà Đông. Ngày 24.9, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, đau họng. Ngày 27.9, bệnh nhân khai báo y tế và được trạm y tế P.Nguyễn Trãi xét nghiệm test nhanh kết quả dương tính, lấy mẫu xét nghiệm PCR khẳng định dương tính.