Tinh dầu có nhiều tác dụng
PGS.TS Phạm Gia Điền, Viện Hóa học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, có nhiều loại tinh dầu khác nhau, đặc tính lớn nhất của tinh dầu là mùi thơm, ngoài ra còn có đặc điểm có nồng độ cao; tính bốc hơi mạnh; có thể pha loãng... Tinh dầu có một số thành phần cơ bản như monoterpenes có tác dụng sát khuẩn; giảm đau; nâng cao sức miễn dịch, gồm tinh dầu chanh; cam chua; thông... đều chứa nhiều monoterpenes. Sesquiterpenes giúp tiêu viêm; trị ngứa; Diterpenes giúp diệt nấm; sát khuẩn trừ đàm, có tác dụng cân bằng bài tiết hormon, chẳng hạn tinh dầu thông chứa diterpenes.
Tinh dầu alcohols chống lây nhiễm; chống vi khuẩn, lợi tiểu, nâng cao sức miễn dịch, tăng cường thể chất... Loại tinh dầu này rất nhiều gồm hoa oải hương; hương thảo, nhũ hương; quảng hoắc hương; xô thơm. Các loại tinh dầu chứa aldehydes có tác dụng chống lây nhiễm, chống viêm, ngừa thối rữa, chống nấm, giảm huyết áp và gây phấn chấn. Loại tinh dầu này gồm cánh kiến trắng; hương đào, quảng hoắc hương; quýt. Loại tinh dầu có tính kháng khuẩn, chống virus, chống lây nhiễm, rất có ích cho hệ miễn dịch là tinh dầu chứa thành phần phenol. Tuy nhiên phenols tính kích thích rất lớn, dễ gây phản ứng dị ứng, thúc đẩy tăng huyết áp; một số phenols có thể gây ung thư, một số dẫn đến viêm da, vì vậy, phenols được xem là thành phần rất nguy hiểm trong tinh dầu, sử dụng tinh dầu chứa phenols cần lưu ý đặc biệt, cần pha thật loãng mới sử dụng. Tinh dầu chứa phenols gồm hồi hương; cỏ xạ hương; nhục quế; húng quế…
Tinh dầu của cây bài hương, xô thơm… có độc tính nên khi sử dụng cần chú ý tỷ lệ pha loãng chính xác, bên cạnh mỗi lần thời gian sử dụng không quá lâu, nhất là phụ nữ mang thai; người bệnh động kinh và trẻ em cần dùng thận trọng, bởi vì dùng nhiều; dùng lặp lại nhiều lần có thể dẫn đến sẩy thai hoặc lên cơn động kinh. Loại tinh dầu này thúc đẩy da tái sinh, công hiệu tan đàm rất tốt, dùng với liều nhỏ không có nguy cơ lớn.
Tinh dầu nào phòng bệnh hô hấp?
Theo PGS.TS Phạm Gia Điền, thực tế có nhiều loại tinh dầu có tác dụng phòng chống các bệnh liên quan đến đường hô hấp. Để phòng cảm cúm, người ta dùng tinh dầu tràm, tiêu đen, nhũ hương, bạc hà, bạch đàn xanh, chanh, cánh kiến trắng, một dược. Phòng ho thì cần đến tinh dầu húng quế, xô thơm, cây bách, bạch đàn xanh, nhũ hương, gừng, húng tây, bạc hà, thông, hoa hồng, hương thảo, đàn hương, tràm, cánh kiến trắng, chanh, hoa oải hương. Đối với viêm phế quản cần tinh dầu húng quế, tiêu đen, đinh hương, bạch đàn xanh, hồi hương, nhũ hương, gừng, hoa oải hương, chanh, húng tây, bạc hà, thông, hương thảo, cây bài hương, tía tô, tràm. Viêm xoang mũi dùng tinh dầu bạch đàn xanh, gừng, hoa oải hương, bạc hà, thông, hương thảo, hoa hồ. Tinh dầu có tác dụng thư giãn tinh thần rất tốt, nhưng không nên lạm dụng và cũng không nên nghĩ rằng vì dùng tinh dầu rồi mà quên các biện pháp vệ sinh diệt khuẩn.
GS.TS Phạm Quốc Long, Viện trưởng Viện Hóa học và Các hợp chất thiên nhiên cho biết, tinh dầu thiên nhiên nói chung rất tốt cho sức khỏe. Ngược lại, tinh dầu bị pha trộn các tạp chất như acetone thì khi hít phải có thể bị ngộ độc, trường hợp hít phải tinh dầu này suốt đêm thì có thể bị phù nề đường hô hấp. “Có một cách để nhận biết tinh dầu có đúng chuẩn hay không là pha loãng ra để nhận biết mùi. Khi pha loãng, mùi tinh dầu sẽ giảm đi, mùi của dung môi sẽ tăng lên. Nếu là tinh dầu pha trộn tạp chất thì lúc này mùi của các dung môi sẽ không bị át đi, có thể ngửi thấy được và dễ dàng nhận biết mùi của acetone... Đa phần tinh dầu thiên nhiên nguyên chất rất dễ bay hơi và nó cũng có xu hướng phai mùi nhanh hơn các loại tinh dầu pha trộn tạp chất. Loại tinh dầu có tạp chất thì dù có pha loãng ra cũng tác động không tốt đến sức khỏe. Việc hít thở tinh dầu này không có tác dụng thư giãn mà chỉ làm cơ thể thêm mỏi mệt, đau đầu, choáng váng”, GS.TS Phạm Quốc Long cho biết.
Bảo Khánh