Tình cảm của học trò là tài sản lớn

Hơn 30 năm dạy học, cũng là từng ấy năm làm công tác chủ nhiệm, với bà Lê Thị Ngân Phụng (88 tuổi, ở Đặng Văn Ngữ, Hà Nội), tình cảm của học trò là tài sản lớn nhất.

Với bà Lê Thị Ngân Phụng, tình cảm của học trò là tài sản lớn nhất.

Không ai chữa bệnh cho mình tốt hơn chính mình

Khi tôi tới thăm, bà Phụng vẫn đang đau chân, đi lại hơi khó khăn. Vì thế dạo này bà chỉ ở trong nhà đọc sách, xem TV. Sáng thì dậy sớm đọc kinh, niệm Phật và tập thể dục. Chứ mấy tháng trước, chiều nào bà cũng ra hồ gần đó đi bộ và tập. Ra ngoài tập thì vui vì gặp nhiều người quen. Tập xong còn ngồi trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm giữ gìn sức khỏe.

Từ khi còn trẻ bà Phụng đã rất thích đọc sách. Đến giờ vẫn vậy, đi đâu trong túi bà cũng có quyển sách, ngồi xuống là lấy sách ra đọc. Trước bà hay đọc sách văn học, còn nay thì thường đọc kinh Phật và các sách hướng dẫn tập luyện, ăn uống, giữ gìn sức khỏe… Trong túi sách của bà tôi còn thấy cả cuốn Những điều cần biết lúc lâm chung.

Bà Phụng chia sẻ, không ai chữa bệnh cho mình tốt hơn chính mình. Vì vậy phải tìm hiểu trong sách vở, chịu khó đọc để tích lũy kinh nghiệm. Bài tập cũng nhiều nhưng phải biết cái gì hợp với mình.

Không chỉ giữ sức khỏe cho mình, bà còn phổ biến, hướng dẫn cho những người quen. Cái gì bà cũng biết tường tận, lại chỉ bảo tận tình, nên nhiều người quen vẫn gọi bà là lão Phật gia.

Thích làm chủ nhiệm

Các con cũng đã ngoài 60, các cháu cũng đã trưởng thành, và có cả chắt rồi. Ai cũng có cuộc sống riêng, không phải lo lắng về gia đình nữa.

Với bà giờ đây vui nhất có lẽ là những khi gặp lại học sinh cũ. Có người đã gần 80 tuổi, gặp bà vẫn một điều thưa cô, hai điều thưa cô, khiến bà rất cảm động. Rồi những khi họp lớp, mỗi lần bà bước vào, cả mấy chục học sinh cũ đứng cả dậy chào cô khiến bà lại rưng rưng.

Trong cuộc đời này, có lẽ chỉ duy nhất nghề giáo mới có được những tình cảm sâu nặng như thế. Nhưng không phải người thầy nào cũng được hưởng những tình cảm đó, mà chỉ có những ai yêu thương học trò thực lòng.

Cả cuộc đời dạy học, bà Phụng tâm đắc nhất với công tác chủ nhiệm. Bởi chỉ có làm chủ nhiệm mới gần gũi, bao quát được hết học sinh.

Không ít bạn bè, đồng nghiệp còn gửi con vào lớp của bà để được rèn cặp. Bởi bà rất nghiêm khắc nhưng cũng rất thương và quan tâm tới học sinh. Hồi đó học sinh nghịch lắm, còn vác dao vác gậy đi đánh nhau. Nên làm chủ nhiệm rất vất vả, có khi đêm hôm cũng phải đi theo để giải quyết.

Có dạo, chiều nào đúng 3h bà cũng phải đạp xe từ Hàng Bè xuống tận khu Kim Liên chỉ để đánh thức học sinh dậy học bài vì cậu này bố mẹ đi làm vắng, không ai gọi thì ngủ đến 5h, bài vở không làm. Cứ ròng rã như thế một thời gian, cho đến khi thành thói quen tự dậy học.

Điều khiến bà tự hào nhất là đã luôn xây dựng được những tập thể lớp đoàn kết. Đến bây giờ, ra trường mấy chục năm mà thầy trò vẫn rất gắn bó với nhau. Trong trái tim họ bà vẫn mãi là cô giáo. Có những người gặp khó khăn trong dạy dỗ con cái, lại đến xin bà lời khuyên. Có người, con đến tuổi biết yêu, đã tâm sự, giờ mới hiểu những lo lắng của cô ngày ấy. Lại có người trước lúc lâm chung, còn sai con đến đón bà để được gặp…

Những tình cảm đó của học trò, đối với bà là tài sản quý giá vô cùng, không gì có thể sánh được.

Bà Phụng tâm sự, nhiều khi muốn chia sẻ với các giáo viên trẻ rằng, phải yêu thương học sinh thật lòng, phải lo lắng, dạy dỗ, uốn nắn cho chúng từ lời ăn tiếng nói… Nhưng rồi lại nghĩ, biết đâu mình lạc hậu mất rồi, bởi bây giờ học sinh cũng khác trước, phụ huynh cũng khác, thì có lẽ người thầy cũng phải khác.

Tôi thì lại nghĩ, chỉ có những gì xuất phát từ trái tim mới chạm được đến trái tim. Và tình cảm chân thật thì chẳng bao giờ lạc hậu.

Tuệ Anh

Theo Đời sống
back to top