Công cụ nghiên cứu thế giới ngoài Trái Đất
Nhóm nghiên cứu đứng đầu bởi Jake D. Tuner ở Đại học Cornell, Philippe Zarka ở Đài Thiên văn Paris, Đại học Khoa học và Văn chương Paris và Jean - Mathias Griessmeier ở Đại học Orleans đã công bố các phát hiện của họ mới đây trên Tạp chí Asrtonomy & Astrophysics.
Sử dụng kính thiên văn vô tuyến tại Hà Lan, Turner và đồng nghiệp đã phát hiện ra những phát xạ bùng nổ từ một hệ sao đã được ghi nhận là có chứa một hành tinh dạng Sao Mộc nóng (một hành tinh khí khổng lồ ở rất gần mặt trời của nó). Nhóm nghiên cứu cũng quan sát được các ngoại hành tinh có tiềm năng phát xạ vô tuyến khác, trong hệ 55 Cancro và Upsilon Andrromedae. Tuy nhiên, chỉ có hệ Tau Bootes - cách chúng ta khoảng 51 năm ánh sáng - là tồn tại một tín hiệu vô tuyến có giá trị, một cửa sổ tiềm năng để theo dõi từ trường của hành tinh. Phát hiện sóng vô tuyến này sẽ mở ra một cửa sổ mới để nhìn vào các ngoại hành tinh, mang đến một phương pháp mới để xem xét các thế giới ngoài Trái Đất cách chúng ta hàng chục năm ánh sáng.
Quan sát từ trường của một ngoại hành tinh giúp các nhà thiên văn giải mã đặc tính bên trong và khí quyển của hành tinh, cùng với các tương tác vật lý giữa nó và sao chủ. Từ trường của Trái Đất bảo vệ nó khỏi những cơn gió mặt trời nguy hiểm, giữ cho sự sống tồn tại. Những ngoại hành tinh có từ trường giống Trái Đất có thể giúp tăng khả năng sống được của chúng, bằng cách che chắn bầu khí quyển của chúng khỏi gió mặt trời và bức xạ vũ trụ, và bảo vệ hành tinh khỏi sự thất thoát khí quyển.
Hai năm trước, Tuner và các cộng sự của ông đã đo tín hiệu phát xạ vô tuyến của Sao Mộc và dùng chúng để dựng lại những tín hiệu tương tự có thể phát ra từ những ngoại hành tinh tương tự Sao Mộc. Kết quả của việc đó đã trở thành mẫu chuẩn để tìm kiếm sự phát xạ vô tuyến từ các ngoại hành tinh cách chúng ta 40 - 100 năm ánh sáng. Sau gần 100 giờ làm việc liên tục với các quan sát vô tuyến, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy dấu hiệu của Sao Mộc nóng như dự kiến.
Có nền văn minh song song với chúng ta?
Theo dữ liệu từ kính thiên văn vô tuyến Parkes đặt tại Sydney (Úc) đã bắt được sự phát xạ vô tuyến bí ẩn nói trên khi đang quan sát bầu trời phụ vụ cho dự án Lắng nghe đột phá của SETI, một chương trình tìm kiếm các tín hiệu vô tuyến (radio) ngoài hành tinh đang được triển khai tại Đại học California ở Berkeley. Không giống như những tín hiệu radio lạ trước đây, vốn thường có nguồn gốc ngoài thiên hà hoặc từ các sao neutron trong thiên hà, tín hiệu mới này dẫn đến nơi cách chúng ta chỉ 4,2 năm ánh sáng, đó là hệ sao Proxima Centauri, cũng là hệ sao gần với hệ Mặt Trời nhất.
Đây là một phát hiện đột phá bởi hệ sao này từng được chứng minh là sở hữu một siêu trái đất màu cam nằm ngay trong "vùng sự sống", có thể có khí hậu ôn đới như hành tinh chúng ta. Tín hiệu radio này cũng cho thấy sự dao động tần số liên tục, là dạng thường phát ra từ các vệ tinh quay quanh quỹ đạo của một hành tinh. Nếu khả năng này đúng, siêu trái đất màu cam mà Proxima Centauri sở hữu hoặc một hành tinh nào khác quay quanh ngôi sao mẹ bí ẩn này có thể đang có một nền văn minh không kém cạnh chúng ta.
Giả thuyết thứ 2 là tín hiệu radio không thực sự phát ra từ siêu trái đất hay hành tinh nào khác của Proxima Centauri, mà từ một nguồn xa hơn và chỉ vô tình đi ngang Proxima Centauri trên đường đến với Trái Đất. Theo các nhà khoa học SETI, đó vẫn sẽ là một phát hiện thú vị vì dạng tín hiệu radio lần này không thể là một tín hiệu tự nhiên như các tín hiệu từng bắt được từ các chuẩn tinh, sau neutron, sao xung...
Tuy nhiên các nhà khoa học đều khẳng định, tín hiệu này rất yếu. Còn chưa chắc chắn được rằng tín hiệu vô tuyến được phát hiện là đến từ chính hành tinh đó. Việc thực hiện các quan sát tiếp theo là rất quan trọng. Hiện nay, Tuner và nhóm của ông đã bắt đầu một chiến dịch sử dụng tập hợp nhiều kính thiên văn vô tuyến để tiếp tục theo dõi các tín hiệu từ ngoại hành tinh.
Đặng Vũ Tuấn Sơn (Hội Thiên văn học trẻ Việt Nam)