Được công ty ByteDance ra mắt phiên bản quốc tế vào năm 2017, TikTok đã vượt qua Facebook, WhatsApp, Instagram và Facebook Messenger - tất cả đều thuộc sở hữu của Facebook - về lượt tải xuống, ngay cả tại Mỹ.
"Tôi thường xuyên xem video của các nghệ sĩ đăng lên đó sau khi họ không đi biểu diễn trực tiếp nữa vì đại dịch", cô Nina, 37 tuổi, ở Portland (Mỹ) chia sẻ với báo Nikkei.
Ứng dụng Likee – nền tảng cạnh tranh với TikTok và cũng do Trung Quốc phát triển – đang xếp vị trí thứ 8 trong bảng xếp hạng lượt tải toàn cầu.
“Tổng thời gian xem của TikTok tại Mỹ và Anh đang dài hơn cả Youtube. Video ngắn sẽ tiếp tục thu hút sự chú ý”, ông Chuzen Kin, Giám đốc Marketing tại công ty nghiên cứu thị trường ứng dụng App Annie nhận định.
Vào đầu năm 2021, WhatsApp thông báo sẽ chia sẻ dữ liệu nhắn tin với Facebook liên quan đến vấn đề tương tác giữa người dùng và các công ty. Mặc dù WhatsApp hứa sẽ bảo vệ thông tin về liên lạc giữa bạn bè và gia đình, không ít người dùng đã chuyển sang các ứng dụng khác.
Đi ngược lại xu hướng đó, Telegram - ứng dụng nhắn tin ban đầu được phát triển ở Nga nhưng hiện có trụ sở tại Đức - đã vươn lên vị trí thứ 6.
Do mối quan tâm về quyền riêng tư cá nhân ngày càng cao, Telegram được tải về nhiều vào năm 2020 trong bối cảnh số người sử dụng mạng xã hội gia tăng vì ảnh hưởng đại dịch COVID-19. Người dùng có thể điều chỉnh cài đặt để xóa tin nhắn tự động sau một khoảng thời gian nhất định.
Một số ứng dụng chia sẻ video ngắn khác cũng được ưa chuộng tại châu Á. Snack Video của Kuaishou (Trung Quốc) xếp thứ 6 về lượt tải xuống tại châu Á – Thái Bình Dương. Trong khi đó, ứng dụng nhắn tin Line lại đặc biệt phổ biến tại Thái Lan và Nhật Bản nhờ tích hợp chức năng thanh toán tiện lợi.
Trước tình hình dịch bệnh hiện nay, giới chức tỉnh Osaka (Nhật Bản) cho phép người dân đặt lịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 qua Line. Chính quyền các địa phương khác ở Nhật Bản cũng sử dụng rộng rãi Line để phổ biến thông tin cho cộng đồng.