Luật này vừa được ông Biden ký vào ngày 24/4, một ngày sau khi quốc hội phê duyệt dự luật và chuyển tới Nhà Trắng. Trong đó, yêu cầu ByteDance thoái vốn khỏi TikTok trước hạn 19/1/2025 hoặc phải dừng hoạt động tại Mỹ.
Thời hạn thoái vốn trước khi ông Biden kết thúc nhiệm kỳ tổng thống một ngày, nhưng có thể gia hạn ba tháng nếu đánh giá ByteDance đạt được tiến bộ.
Michael Beckerman, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách công của TikTok tại khu vực châu Mỹ, khẳng định rằng công ty sẽ tìm mọi cách chống lại luật này tại tòa án để đảm bảo TikTok vẫn có thể tiếp tục hoạt động tại Mỹ.
TikTok đối mặt sóng gió tại Mỹ. Ảnh Vietnamnet |
"Vào thời điểm dự luật được ký để ban hành, chúng tôi sẽ đưa luật này lên tòa án để kháng cáo. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu vì luật này rõ ràng vi phạm quyền Tu chính án thứ nhất của 170 triệu người dùng TikTok tại Mỹ", Michael Beckerman tuyên bố trong một thông cáo đưa ra.
Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Hoa Kỳ đảm bảo năm quyền tự do cơ bản cho tất cả công dân Mỹ, bao gồm tự do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do tập hợp và tự do kiến nghị. Do vậy, Michael Beckerman cho rằng luật cấm TikTok vừa được 2 viện thông qua đã vi phạm quyền tự do sử dụng mạng xã hội của người dân tại Mỹ.
Các văn phòng thuộc quốc hội Mỹ hồi tháng trước tràn ngập cuộc gọi từ người dùng nhằm phản đối dự luật. Khi đó, phe ủng hộ dự luật cho rằng "chiến dịch gây áp lực" của TikTok càng cho thấy lệnh cấm là cần thiết.
Không chỉ Mỹ, các nước phương Tây cũng đang xem xét hoạt động của TikTok, do lo ngại nguy cơ dữ liệu người dùng rơi vào tay Trung Quốc. Các cơ quan an ninh Đức từng cảnh báo người dân không dùng TikTok, trong khi ứng dụng bị cấm trên thiết bị của nhân viên nhà nước ở nhiều quốc gia. Nền tảng video ngắn khẳng định các cảnh báo này không có cơ sở, nhấn mạnh họ không thu thập dữ liệu nhiều hơn những ứng dụng khác.