Năm nào cũng khó, năm nay khó hơn
Vừa qua, Bộ NN&PTNT có báo cáo gửi Bộ KH&ĐT để tổng hợp trình Chính phủ về khó khăn, vướng mắc và nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành trong những tháng cuối năm 2021. Theo Bộ NN&PTNT, tình hình dịch Covid-19 của Việt Nam và thế giới đang diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất, lưu thông, phân phối và tiêu thụ nông lâm thủy sản đối với tất cả các tỉnh thành trên cả nước, đặc biệt là tại các địa phương phải áp dụng giãn cách.
Sang tháng 8, nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch, dễ xảy ra nguy cơ dư nguồn hàng nông sản, lương thực ở vùng sản xuất nhưng lại thiếu hụt ở một số địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch. Riêng về rau củ quả, trong tháng 8, ước tính sản lượng ở phía Nam lên tới hơn 1,1 triệu tấn, nhưng nhu cầu tiêu dùng nội địa chỉ 500.000 tấn. Một số loại trái cây có sản lượng lớn gồm: xoài 40.000 tấn, chuối 109.000 tấn, sầu riêng 75.000 tấn, cam 40.000 tấn, nhãn 40.500 tấn, khóm (dứa) 30.000 tấn, mít khoảng 10.000 tấn…
Đáng chú ý, Bộ NN&PTNT nêu thực tế đã kéo dài nhiều chục năm qua. Đó là hệ thống logistic kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế. Cả nước hiện chỉ có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 palet và hàng nghìn kho lạnh với tổng công suất bảo quản ước đạt 2 triệu tấn. Số lượng này không đủ đáp ứng cả nhu cầu trong nước và xuất khẩu, nhất là đối với Đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới.
Thông tin từ báo cáo này cho thấy, dù không có dịch bệnh, thì mùa thu hoạch trong tháng 8 này của Đồng bằng sông Cửu Long quá khó để tránh khỏi cảnh rớt giá.
Cũng theo Bộ NN&PTNT, việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch trong nước và thế giới làm sản xuất trong nước và nhập khẩu nguyên - vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất (phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi…) tăng giá liên tục. Trong khi giá bán nhiều sản phẩm nông lâm thủy sản giảm, sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến việc tái đầu tư của người dân và sự phát triển sản xuất những tháng cuối năm.
Ví dụ, thị trường Trung Quốc đang thắt chặt các quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa. Các thị trường xuất khẩu khác cũng tăng rào cản kỹ thuật, điều tra nguồn gốc đối với một số nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam… Trong khi, nút thắt về vốn tín dụng càng bị thắt chặt, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX nông nghiệp… khó tiếp cận để phục hồi sản xuất nhanh và xuất khẩu ngay vào các thị trường khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát và suy giảm.
Chưa kể, người nông dân lẫn doanh nghiệp còn phải gánh thêm áp lực về chi phí sản xuất, thuế, chi phí do thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng, hoạt động kinh doanh đứt gãy, lợi nhuận các doanh nghiệp suy giảm là rất lớn. Bên cạnh đó, đơn hàng xuất khẩu giảm dần dẫn đến áp lực cao đối với chi phí lưu kho, chi phí điện duy trì (nhất là kho lạnh để bảo quản nông sản) và vốn lưu động tồn do ứ đọng hàng hóa.
Bộ nên nghĩ về vị thế nông sản Việt
Về các giải pháp cho nông sản trong các tháng cuối năm 2021, đặc biệt ở khu vực phía Nam, Bộ NN&PTNT cho rằng bộ đã khuyến cáo các địa phương và người dân điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh.
Cụ thể, trồng trọt tới chăn nuôi, thủy sản cần cơ cấu lại mùa vụ, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng khoa học kỹ thuật thay vì chỉ nuôi trồng theo đúng thời gian như trước đây. Nông dân nên bắt tay với bên thu mua, phân phối… tạo thành chuỗi cung ứng, và sản xuất theo mô hình hợp tác, liên kết chuỗi. Đồng thời, sản xuất theo hướng liên kết hình thành vùng sản xuất tập trung từ nguyên liệu - chế biến - thị trường. Đẩy mạnh cơ giới hóa để giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm chi phí và hạ giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh phát triển thị trường, số hoá cao độ để tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu bằng cách tăng cường kết nối, phối hợp với các tập đoàn viễn thông (Viettel Post, VNPT Post), các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, GoViet…) để chuyển đổi số trong nông nghiệp.
Thậm chí, Bộ NN&PTNT còn muốn đưa việc phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội (phụ nữ, đoàn thanh niên…) xây dựng chương trình phối hợp hỗ trợ nông dân thu hoạch và tiêu thụ nông sản trong điều kiện dịch bệnh Covid-19… thành một giải pháp.
Bộ NN&PTNT nêu hình thức đang được thực hiện sáng tạo trong mùa dịch thời gian qua cần được đẩy mạnh, là “tạm thời và di động”. Như lập điểm tập kết hàng hóa tạm thời, tăng cường bán hàng lưu động, bán hàng trực tuyến. Lập các vùng đệm để tập kết hàng hóa, xây dựng “luồng xanh”, “vùng xanh” cho nông sản để không làm đứt gãy chuỗi cung ứng...
Và, đẩy mạnh các hoạt động thương mại quốc tế, thúc đẩy xuất khẩu, phối hợp chặt chẽ với các Tham tán thương mại của Việt Nam tại nước ngoài, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản đạt sang các thị trường EU, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản...
Theo Bộ NN&PTNT, tính chung 7 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thuỷ sản ước đạt 28,6 tỷ USD, tăng 26,7% so với 7 tháng/2020. Cả năm 2020, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 41,2 tỷ USD, tăng 2,5% so với năm 2019.
Tuy nhiên, với kim ngạch khổng lồ được tạo ra bởi hàng chục triệu nông dân và doanh nghiệp ấy, các báo cáo của Bộ NN&PTNT thường xuyên thấy nội dung, kiểu như "hệ thống logistic kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản còn hạn chế", hay chuỗi cung ứng còn chưa hoàn chỉnh... dẫn tới rủi ro sản xuất nông nghiệp hàng chục năm qua vẫn... luôn cao.
Vấn đề đặt ra với Bộ NN&PTNT, là tại sao các nước có hệ thống bảo quản để tiêu thụ hàng trăm triệu tấn nông sản nhập khẩu, trong đó có hàng chục triệu tấn nhập khẩu từ Việt Nam, nhưng ngay tại trong nước, một "hệ thống logistic kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản" lại luôn chịu tình cảnh "còn hạn chế" sau nhiều chục năm?
Hệ thống ấy, Bộ NN&PTNT có nên đòi hỏi được xây dựng hoàn chỉnh, bằng ngân sách, để phục vụ và thu phí sử dụng từ chính hàng chục tỷ USD mỗi năm của nông sản Việt?
Đó không là đòi hỏi quá đáng từ ngành quan trọng như nông nghiệp. Vì có hệ thống ấy, nông sản Việt đương nhiên có giá hơn trong xuất khẩu, thay vì bị ép phải "giảm giá" để tạo lợi thế cạnh tranh, xuất khẩu.