Cục Thuế Hà Nội cho biết, đơn vị này đang quản lý 382 cá nhân có hoạt động cung cấp sản phẩm trên các ứng dụng của Google Play, Apple Store… Các cá nhân này đã thực hiện kê khai thuế đầy đủ theo quý, số thuế đã nộp lũy kế từ năm 2018 đến nay là 203 tỷ đồng, trong đó riêng 7 tháng đầu năm 2021 là 39 tỷ đồng.
Người tạo các ứng dụng, trò chơi trực tuyến trên các kho ứng dụng của Google, Apple hay CH Play hiện đều tự kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế sẽ căn cứ trên hệ thống kê khai, hóa đơn để hậu kiểm, truy thu.
Trước đó, vào năm 2020, một cô gái sinh năm 1992 đã tự nguyện đến Chi cục Thuế quận Cầu Giấy (Hà Nội) để kê khai, nộp các nghĩa vụ thuế. Cô gái này có thu nhập năm 2020 hơn 330 tỷ đồng từ thu nhập viết nhiều phần mềm đăng trên các ứng dụng Google Play và App Store. Cô gái này đã nộp các nghĩa vụ thuế với số tiền là 23,4 tỷ đồng.
Trong năm 2020, một chàng trai 30 tuổi cũng ở tại quận Cầu Giấy cũng có thu nhập 260 tỷ đồng/năm nhờ viết và đăng tải các phần mềm lên mạng. Người này nộp thuế 18,1 tỷ đồng.
Năm 2020, có 65 cá nhân kinh doanh online đã đến Chi cục Thuế quận Cầu Giấy kê khai và nộp thuế với số tiền là 55 tỷ đồng. Ngoài ra, hàng trăm cá nhân khác đã tự động kê khai nhưng chưa đến ngưỡng phải nộp thuế.
Từ năm 2019-2020, Cục Thuế Hà Nội đã thu được 148 tỷ đồng tiền thuế từ các cá nhân có thu nhập từ hoạt động thương mại điện tử (Youtube, Google, Facebook,...).
Theo thông tin từ Bộ Thông tin - Truyền thông, tính đến cuối năm 2020, ở Việt Nam có khoảng 15.000 kênh Youtube bật nút kiếm tiền. Nhưng chỉ có khoảng 30% trong tổng số kênh chịu sự quản lý từ các công ty mạng của Youtube tại Việt Nam, có kê khai và nộp thuế đầy đủ.
Trong khi đó, Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 (hiệu lực từ 1/7/2020) quy định, cá nhân có thu nhập từ hoạt động kinh doanh với doanh thu trên 100 triệu đồng/năm sẽ nộp 2% thuế thu nhập cá nhân và 5% thuế giá trị gia tăng, tổng cộng phải nộp 7% doanh thu.
Anh Tuấn