Tiếng hát át bệnh tật

Bà Trần Thị Thực vào Tết 2018 mới mừng thọ 70, nhưng mọi người thường bảo trông bà trẻ hơn đến 5 – 7 tuổi, vì bà là một người luôn lạc quan yêu đời, vô tư.
/Uploaded/khds.1cdn.vn/2018/09/16/anh-ba-tran-thi-thuc-225x300.jpg

Bà Thực trong một buổi biểu diễn văn nghệ tại địa phương.

Trời phú cho bà có một giọng hát hay và ngâm thơ giỏi, lúc nào cũng tươi cười vui vẻ. Hiện nay bà đang sống ở làng Hạ Bỳ, xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ.

Khi xưa bà công tác trong ngành thương nghiệp tỉnh nhà, mọi người gọi bà là một cây văn nghệ của ngành. Mỗi khi có hội nghị hoặc những buổi tổng kết liên hoan mừng công, bà là người đứng ra tập hợp một số anh chị em tổ chức một đêm giao lưu văn nghệ (cây nhà lá vườn), hát và ngâm thơ.

Trong thời kỳ chiến tranh phá hoại, giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, những lúc khó khăn gian khổ, phải vận chuyển hàng đi sơ tán, vừa phục vụ bán ra, bà bảo: “Phải hát hò đi cho qua cơn mệt nhọc”

Bà về nghỉ được gần 20 năm nay, sống với đồng ruộng, sau những buổi lao động mệt nhọc, những lúc nghỉ ngơi, bà lấy tiếng hát để tự động viên cho mình và mọi người xung quanh qua cơn vất vả.

Những buổi tối gió mát trăng trong, cùng với những chị em trong thôn xóm ra ngồi nghỉ mát trên bến sông Đà nhìn thuyền bè xuôi ngược, cùng nhau ôn lại những bài hát, giọng hò quen thuộc khi xưa, những bài cổ như: Trống quân, cò lả, hát ví, những bài đương đại như: Hò kéo pháo, Quảng Bình quê tai ơi, Chị hai năm tấn quê ở Thái Bình… đã làm lay động lòng người, rộn ràng cả một xóm làng yên tĩnh, mọi người càng gắn bó nhau hơn để yêu quê hương, yêu cuộc sống.

Từ ngày được Tổ chức Unessco công nhận hát xoan của tỉnh Phú Thọ là một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, bà được mời đi tập huấn để về địa phương tổ chức thành lập câu lạc bộ. Những khi thôn, xã có hội đình làng, hoặc những buổi liên hoan mừng công, mừng thọ bà lại tổ chức giao lưu văn nghệ mời các thôn xóm, các xã bạn cùng tham gia. Tuy tuổi cao, bà vẫn ngày đêm miệt mài hăng say hướng dẫn anh chị em luyện tập.

Gia đình bà cũng không phải không có khó khăn, chồng bà bị bệnh tâm thần đã 5 – 6 năm nay, gia đình phải giữ ông ở trong một căn phòng, không dám cho ra ngoài, mọi việc phục vụ ông đều phải do tay bà cáng đáng, từ sinh hoạt ăn uống, tắm rửa, vệ sinh… để dành thời gian cho các con được đi lao động

Những lúc ông lên cơn nóng giận không chịu ăn uống, bà lại ôn tồn dỗ dành, động viên ông bằng một bài hát hoặc đôi ba vần thơ để ông được nguôi ngoai trở lại bình thường.

Bà tâm sự: “Văn nghệ ca hát đã ngấm vào máu thịt của tôi từ khi còn nhỏ. Hiện nay trong người tôi cũng không ít bệnh tật của người già như: đau xương khớp, nhức đầu, chóng mặt, áp huyết… Những khi trở trời, trái gió, bệnh tật hành hạ, tôi lại cố phải quên đi và cất cao giọng hát, ngâm một vài vần thơ, thế là người lại được nhẹ nhõm, khoan thai, vơi đi những bệnh tật trong người”.

Hiện bà đang làm Chủ nhiệm câu lạc bộ hát xoan của khu dân cư, những khi có yêu cầu tổ chức văn nghệ ở các thôn xóm khác trong xã, trong huyện, bà sẵn sàng cùng anh chị em trong câu lạc bộ lên đường phục vụ.

Thanh Bình

(Xuân Lộc, Thanh Thủy, Phú Thọ)

Theo Đời sống
back to top