Điều trị bằng thuốc và phẫu thuật tương đương nhau
Trong một nghiên cứu kéo dài trong 5 năm cho thấy, người bệnh không đồng ý mổ có 2 nguyên nhân chính: Sợ các biến chứng và các tai biến liên quan phẫu thuật; Triệu chứng được cải thiện đáng kể sau điều trị bảo tồn bằng thuốc (chiếm hơn 80%). Đặc biệt, theo dõi 2 nhóm người bệnh được chẩn đoán thoát vị đĩa đệm có chèn ép thần kinh trong 1 năm, kết quả của điều trị bảo tồn bằng thuốc và phẫu thuật tương đương nhau.
Một nghiên cứu xa trên 69 người bệnh, trong đó có 8/69 trường hợp thoát vị di trú gây hẹp > 50% đường kính ống sống. Sau thời gian nghiên cứu, có 6/8 trường hợp trên cải thiện mức độ hẹp ống sống đến 70%. Điều này được lý giải: Nhân nhày sau thoát vị di trú không còn nhận được dinh dưỡng từ sụn tận của đĩa đệm nên tự tiêu đi; Các đại thực bào trong khoang ngoài màng cứng đến và phân huỷ nhân nhày di trú. Tuy nhiên với thoát vị chèn ép gây hội chứng đuôi ngựa (yếu, liệt cơ, rối loại đại tiểu tiện...) thì không có chỉ định bảo tồn.
Một nghiên cứu khác trên 154 người bệnh với triệu chứng đau thần kinh toạ nhận thấy tiên lượng điều trị bảo tồn bằng thuốc + bất động tương đối (nghỉ ngơi, đeo đai khi ngồi dậy đi lại) đạt kết quả rất tốt. Đặc biệt thể thoát vị đã vỡ dưới bao, di trú tiến triển rất tốt, ngược lại thể lồi, rách bao xơ thường điều trị lâu dài và đạt hiệu quả không cao. Nguyên nhân do thể di trú, thoát vị cấp vỡ dưới bao thường triệu chửng rất rầm rộ, đa số người bệnh không đi lại được, chính điều này làm ổn định vị trí của thoát vị chèn ép, hạn chế nhân nhày dịch chuyển và gây chèn ép thêm. Riêng việc nghỉ ngơi và điều trị thuốc khiến triệu chứng tiến triển tốt hơn rất nhiều.
Các thể nhẹ thường bị xem thường do triệu chứng mờ nhạt, lúc đau lúc không. Người bệnh có thời gian đi khắp nơi chữa bằng kéo dãn, vật lý trị liệu, tác động mạnh cột sống, khiến mức độ rách nặng thêm và rất lâu phục hồi.
Thoát vị đĩa đệm thể di trú nhưng không có hội chứng đuôi ngựa được điều trị bằng thuốc và bất động tương đối trước và sau 6 tháng. |
Đánh giá mức độ để phẫu thuật
Việc điều trị bảo tồn thất bại (sau 4 - 6 tuần) sẽ cần phẫu thuật loại bỏ chèn ép. Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, các biến chứng trong mổ càng ngày càng hạn chế. Nếu như những năm 90, tỷ lệ thoát vị tái phát: 7.9%, rò dịch não tuỷ: 3,5% trong nhóm mổ lần đầu và 13.2% ở nhóm mổ lần 2, nhiễm trùng sau mổ: 3%... thì đến bây giờ những biến chứng trên gần như rất hiếm gặp.
Những hiểu biết trên đây không phải là để mọi người tự chẩn đoán hay tự điều trị bệnh tại nhà. Tốt nhất khi bị bệnh sau khám xét thu thập triệu chứng; chụp phim X-quang, cộng hưởng từ; điện chẩn cơ; cắt lớp... để biết được mức độ bệnh của mình đã cần can thiệp phẫu thuật hay chưa và với thể bệnh (thể hiện trên phim) như trên, tiến triển tự nhiên và cách theo dõi sẽ diễn ra như thế nào.
Vì mức độ đáp ứng cũng như cơ địa mỗi cá thể là khác nhau nên không bao giờ có chung một phương pháp điều trị cho cả cộng đồng được. Có rất nhiều trường hợp đau không thể lý giải nguyên nhân, thậm chí khi đã khám chữa chụp chiếu chi tiết. Tuy nhiên, cũng đừng vội tuyệt vọng vì đôi khi tư vấn tâm lý và giữ tinh thần thoải mái, lạc quan lại là phương pháp phi thường và màu nhiệm nhất.
BS Trần Trọng Kiên (Khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức)