Tiến sĩ Việt 8X đoạt 16 bằng sáng chế Mỹ

TS Trịnh Công là một trong 100 trí thức khoa học Việt trên toàn cầu tham gia Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam. Các nghiên cứu về vật liệu hữu cơ, vật liệu nano của tiến sĩ 8X này đã được cấp bằng sáng chế độc quyền tại Mỹ.
tien-si-nguoi-viet-co-15-bang-sang-che-cua-my.jpg

TS Trịnh Công (sinh năm 1983) là học sinh chuyên Toán của Trường THPT Chuyên Hùng Vương, Phú Thọ. Tham gia đội tuyển học sinh giỏi, anh giành giải Nhì quốc gia môn Hóa và được tuyển thẳng vào Khoa Hóa học, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội). Khi còn đang theo học Đại học, anh được lựa chọn sang đào tạo Kỹ sư Hóa học tại Trường Đại học Tổng hợp Saint Petersburg (Nga) và tiếp tục nghiên cứu tiến sĩ tại Đại học Southern California (Mỹ).

Kiên trì trong nghiên cứu

TS Trịnh Công cho biết, anh theo đuổi nghiên cứu vật liệu hữu cơ là do ngưỡng mộ một giáo sư tại Đại học Southern California. Người thầy này sở hữu rất nhiều bằng sáng chế có tính ứng dụng thực tế mà anh muốn theo đuổi. Tuy nhiên, trong 2 năm đầu anh liên tục thất bại, không tìm được hướng đi. Một lần, tình cờ nhìn thấy đồng nghiệp trộn hợp chất để nghiên cứu làm pin mặt trời bốc mùi thối um khắp phòng, anh nảy ra ý định khử mùi. Trong 2 tháng mày mò nghiên cứu khử mùi pin thối, anh tình cờ tìm ra giải pháp sản xuất vật liệu hữu cơ giúp tăng hiệu suất cho các thiết bị điện tử. Nghiên cứu này giúp anh nhận tấm bằng sáng chế đầu tiên tại Mỹ sau nhiều năm trời nỗ lực.

Sau tấm bằng sáng chế đầu tiên, tự tin hơn, TS Trịnh Công mạnh dạn giao lưu, tìm hiểu ý tưởng nghiên cứu cho những dự án của riêng mình. Khi ra trường, TS Trịnh Công đã xuất sắc vươn lên với 3 dự án được cấp bằng sáng chế và 6 bài báo nghiên cứu khoa học được công bố. Trong 3 nghiên cứu được cấp bằng, có 1 nghiên cứu tập trung vào lĩnh vực pin mặt trời làm từ nguyên liệu hữu cơ rất hữu ích. Pin nhẹ so với pin mặt trời truyền thống, nhìn xuyên thấu khi kết hợp cùng vật liệu kính và có thể phủ lên các vật dụng ngoài trời như một lớp sơn phát điện năng lượng mặt trời. Mặc dù hiệu suất của dòng pin này không thể so sánh với các nghiên cứu pin mặt trời hữu cơ hiện nay, nhưng tại thời điểm năm 2013, các nhà khoa học khi ấy vẫn chưa tìm được phân tử nào tốt hơn thay thế.

Tạo ra sự ảnh hưởng

Năm 2013, TS Trịnh Công đặt chân tới Thung lũng Silicon. Anh xung phong làm những việc khó, chăm chỉ nghiên cứu kể cả cuối tuần đồng thời mở rộng kỹ năng làm việc nhóm. Sau 8 năm, anh trở thành quản lý cao cấp của một nhóm nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Applied Materials – tập đoàn cung cấp nguyên liệu bán dẫn số một trên thế giới với doanh thu gần 20 tỷ USD.

trinh-cong.jpg
TS Trịnh Công tham gia vào mạng lưới 100 nhà khoa học đổi mới sáng tạo toàn cầu.

Theo TS Trịnh Công, để thành công, làm việc chăm chỉ là chưa đủ mà phải có kỹ năng làm việc nhóm, sử dụng những kiến thức và hiểu biết của mình gắn kết, giúp đỡ mọi người, tạo ra sự ảnh hưởng mới có nhiều thành công hơn. Bản thân anh cho dù không được trả lương hay giao nhiệm vụ nhưng luôn dành rất nhiều thời gian để đào tạo, giúp đỡ các kỹ sư mới nghiên cứu. Đây chính là cách anh tạo ra sự ảnh hưởng và dành được sự tin tưởng của đồng nghiệp cũng như ban lãnh đạo.

Sau những thành công tại Mỹ, TS Trịnh Công muốn đem những công nghệ tiên tiến thế giới về ứng dụng trong nước, góp phần hiện đại hóa nông nghiệp Việt Nam. Hiện tại, TS Trịnh Công đã triển khai nhiều dự án đầu tư nhập khẩu thiết bị, máy móc và giải pháp kỹ thuật từ Mỹ về Việt Nam. Theo TS Trịnh Công, Việt Nam là nước nông nghiệp, đang trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng đất nước nên anh phối hợp cùng các nhà khoa học Việt tập trung phát triển công nghệ ngành nông nghiệp và xây dựng.

Chia sẻ kinh nghiệm học tập và nghiên cứu, TS Trịnh Công cho rằng, điều quan trọng khi làm khoa học cần phải có suy nghĩ mở, nghiên cứu hướng mang tính đột phá, sáng tạo. Tuy nhiên, cần xác định 3 yếu tố định hướng nghề nghiệp tương lai, đó là đam mê, khả năng và nhu cầu, xu hướng của xã hội. Nếu không có đam mê và khả năng ở lĩnh vực mình theo đuổi thì dù công việc ấy có đem lại thu nhập cao, giàu có nhưng bản thân sẽ vẫn thấy lạc lõng, nhàm chán.

TS Trịnh Công hiện đã có 16 bằng sáng chế đã cấp và chờ phê duyệt, được bảo hộ độc quyền bởi cơ quan sở hữu trí tuệ ở Mỹ. Gần đây, anh tập trung các nghiên cứu liên quan tới công nghệ ALD (sản xuất ngưng đọng nguyên tử) và các vật liệu hữu cơ điện tử, vật liệu nano tiên tiến ứng dụng trong công nghệ sản xuất thiết bị bán dẫn. Các nghiên cứu của anh được nhiều tập đoàn trên thế giới ứng dụng trong sản xuất chip lõi, xử lý màn hình OLED cho máy tính, tivi, điện thoại thông minh... Anh là một trong 100 trí thức người Việt trên thế giới tham gia Mạng lưới đổi mới sáng tạo, nhằm phát triển khoa học công nghệ nước nhà.

Theo Đời sống
back to top