TS Trần Thị Ngọc Dung là chủ nhân của nhiều sản phẩm liên quan đến nano bạc như băng gạc điều trị vết thương; bỉm nano cho trẻ em, nước súc miệng nano, khẩu trang nano…
Mạo hiểm
Ngồi trong căn phòng bề bộn các thiết bị thí nghiệm, TS Trần Thị Ngọc Dung kể, chị bắt đầu “gắn bó” với công nghệ nano từ năm 2006. Thời điểm đó, ở Việt Nam, nano vẫn là công nghệ mới mẻ, thế nên bắt tay nghiên cứu nano bạc, TS Trần Thị Ngọc Dung tự nhận là mạo hiểm.
Lúc bắt tay vào làm, khó khăn nối tiếp khó khăn. Đó là sự hiểu biết về nano, nhất là nano bạc của chính bản thân và các cộng sự còn hạn chế; trang thiết bị không có; kinh phí thiếu... “Thời điểm đó, viện chúng tôi là một viện mới nên mọi thứ đều rất khó. Lãnh đạo viện xác định nano sẽ là hướng nghiên cứu quan trọng, thế nên dù khó vẫn phải làm”.
Sản phẩm đầu tiên của TS Trần Thị Ngọc Dung là khẩu trang nano bạc. Bà kể: Chiếc khẩu trang là vật dụng thân thiết hằng ngày của tất cả chúng ta mỗi khi ra đường. Khẩu trang giúp bảo vệ chúng ta khỏi các chất ô nhiễm trong môi trường như bụi, vi khuẩn, các khí thải độc hại từ động cơ... Khẩu trang có tác dụng như một màng lọc không khí nên sau khi sử dụng, các chất ô nhiễm từ môi trường và các chất từ cơ thể được giữ lại trên khẩu trang, đặc biệt là các vi khuẩn.
Quá trình hô hấp của chúng ta trong khi sử dụng đã đưa một lượng hơi nước lưu lại trên khẩu trang. Với khí hậu nóng ẩm như ở nước ta thì lượng hơi nước này lại càng nhiều. Chính lượng hơi ẩm này đã cho các vi sinh vật lưu trên khẩu trang một môi trường thuận lợi để phát triển. Với tốc độ sinh sôi tính bằng giây của vi khuẩn thì chiếc khẩu trang có nguy cơ là nguồn phát tán vi khuẩn ngược vào cơ thể chúng ta.
Để giảm thiểu nguy cơ này, TS Trần Thị Ngọc Dung đã nghiên cứu và sáng tạo ra chiếc khẩu trang kháng khuẩn. Về lý do chọn nhánh nano bạc, TS Trần Thị Ngọc Dung kể: “Bạc là một nguyên tố có hoạt tính kháng khuẩn tự nhiên mạnh nhất được tìm thấy trên Trái đất. Dưới dạng nano hoạt tính này còn tăng lên gấp bội. So với các hệ khử trùng chứa bạc thông thường các hạt nano bạc với năng lượng bề mặt rất lớn có khả năng giải phóng từ từ các ion bạc vào đối tượng khảo sát. Bởi vậy nano bạc có tính năng kháng khuẩn mạnh hơn nhiều lần và có tác dụng kéo dài hơn so với bạc ở dạng keo, dạng ion hay dạng rắn”.
Thời điểm khẩu trang nano bạc ra đời, chính là thời điểm mà dịch cúm H5N1 bùng phát. Vì thế khẩu trang nano bạc được đón nhận một cách nồng nhiệt.
Song song với khẩu trang nano bạc, TS Trần Thị Ngọc Dung cùng các đồng nghiệp đã bắt tay nghiên cứu băng gạc điều trị vết thương. Ưu điểm của loại băng gạc này là sử dụng công nghệ nano bạc nên chúng dễ dàng kháng viêm, chống lở loét trên ngay vị trí băng bó vết thương. Điều trị các vết thương bằng băng gạc nano bạc có tác dụng giảm nhiễm trùng, giảm đau cho bệnh nhân khi thay băng, làm sạch bề mặt tổn thương và giảm số lần thay băng. Thời gian điều trị được rút ngắn từ 5 – 10% so với điều trị bằng phương pháp thông thường, giảm chi phí điều trị.
Sau băng gạc điều trị vết thương, bỉm nano dành cho trẻ em, băng vệ sinh nano, nước súc miệng nano... lần lượt ra đời.
Sản phẩm từ chính cuộc sống
Các sản phẩm mà TS Trần Thị Ngọc Dung nghiên cứu thành công đều rất đời thường. TS Trần Thị Ngọc Dung đùa đấy là do cái khó ló cái khôn. Khó xin kinh phí, nếu có cũng chỉ là những đề tài, dự án nhỏ nên buộc bà và các cộng sự phải làm những cái vừa sức, vừa số tiền mình có được. Nhưng đấy chỉ là một lý do, quan trọng hơn, là phụ nữ, TS Dung gắn mình với những trải nghiệm của cuộc sống, từ cuộc sống mà cho ra đời những sản phẩm khoa học.
Nghe người thân, bạn bè than thở về chất lượng và giá thành của bỉm, bỉm rẻ thì chất lượng không tốt không có khả năng thấm hút, thậm chí còn làm các bé ngứa, khó chịu, bỉm chất lượng tốt thì giá thành quá cao, TS Dung bắt tay nghiên cứu bỉm nano với mục tiêu đảm bảo chất lượng tốt mà giá thành mềm.
Tương tự, sau lần nghe đồng nghiệp kể về việc con bị bệnh tay chân miệng, hàng trăm nốt lở loét trong miệng, trong lưỡi, cả tuần bé không ăn không uống được vì đau, TS Dung bắt tay nghiên cứu nước súc miệng nano có tác dụng đánh bật hôi miệng, nhiệt miệng, sâu răng, viêm lợi, ngăn chặn các mầm bệnh.
Hay khi đọc báo, xem tivi thấy người dân khốn khổ vì bệnh sốt xuất huyết, TS Dung nảy ra ý tưởng phòng, chống sốt xuất huyết bằng dung dịch có chứa nano bạc. Hiện tại, bà đang phối hợp với Viện Vệ sinh Dịch tễ T.Ư để thử nghiệm, đánh giá hiệu quả của loại dung dịch này.
Cần sự tin tưởng
Một điểm đặc biệt nữa là hầu hết các sản phẩm của TS Dung đều được doanh nghiệp đón nhận và đề nghị hợp tác để đưa sản phẩm ra thị trường. TS Dung tâm sự, có lẽ đó là cái duyên, bởi sản phẩm của chị phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp, nên họ tìm đến và đề nghị hợp tác. “Thực tế có rất nhiều sản phẩm khoa học có tính ứng dụng cao và nhu cầu thị trường rất cần, tuy nhiên khi hợp tác, doanh nghiệp và nhà khoa học không tìm được tiếng nói chung khiến hợp tác bị đổ bể.
Đây là một điều rất đáng tiếc”, TS Dung tâm sự, “Tôi cũng có nhiều “bài học” xương máu khi làm việc với doanh nghiệp. Nhưng sau nhiều lần làm việc và hợp tác, tôi thấy, cái quan trọng nhất là phải có sự tin tưởng. Doanh nghiệp cần tin tưởng vào năng lực của các nhà khoa học để đầu tư. Nhà khoa học cần tin tưởng doanh nghiệp trong việc triển khai sản phẩm ra thị trường. Một điểm nữa là ngoài chất lượng sản phẩm, ngày nay nhà khoa học cũng phải ý thức được hình thức và mẫu mã sản xuất”.
Chỉ cho chúng tôi xem bao bì của sản phẩm nước súc miệng nano dự kiến sẽ được giới thiệu trong thời gian tới, TS Dung kể, chị phải gửi mẫu sang các phòng thí nghiệm của châu Âu để kiểm tra chất lượng. Hình thức cũng được nhóm nghiên cứu chú ý, từ chọn kích thước hộp đựng, màu sắc của hộp đựng... “Từ trong ra ngoài, từ chất lượng nước súc miệng đến vỏ hộp đựng nước súc miệng đều phải được nghiên cứu cẩn trọng, tỉ mỉ. Một sản phẩm tốt mới mong được doanh nghiệp đầu tư và người tiêu dùng đón nhận”, TS Dung khẳng định.
- Ngày 12/1/2018, TS Trần Thị Ngọc Dung, nhận giải L’Oreal-UNESCO, vì sự phát triển phụ nữ trong khoa học.
- Ngày 16/10 - 16/11/2018, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức triển lãm chân dung các nhà khoa học nữ. TS Trần Thị Ngọc Dung là một trong 15 nhân vật được giới thiệu trong triển lãm.