Vua Minh Mạng.
Xử có hiệu quả tệ sách nhiễu
Trong Hoàng Việt luật lệ thời Nguyễn cũng có nhiều điều luật định rõ với tội quan chức nhà nước sách nhiễu dân. Điều 5: “Vòi vĩnh đòi thêm tiền” thuộc chương Bưu dịch ghi: “Phàm nhân viên sai phái, nếu người nào vòi vĩnh đòi thêm tiền thì tính theo số tang vật, xử theo tội bất uổng pháp. Quan đương cai cho tiền thì tội giảm một mức. Nếu bắt ép vòi tiền thì xử theo luật bất uổng pháp…”;
Hoặc chương Chợ búa ghi: “Các sở công tư của các nha môn lớn nhỏ cần có hàng hóa phải trao đổi công bằng theo giá thị trường, không được sử dụng bọn tay chân môi giới mượn cớ việc chung kiếm lợi riêng. Nghĩa là nếu có sai mua thì phải giữ đúng công chính, không được mượn cớ sách nhiễu…”.
Với những điều được quy định như trên, nhà Nguyễn nhiều lần xử có hiệu quả tệ sách nhiễu, bòn rút của dân. Vụ việc xảy ra năm Quý Mão 1819 được Quốc sử di biên ghi lại: “Hiệp trấn Quảng Yên vì tội hống hách lấy của dân nên bị khép tội tử hình”.
Năm Canh Thìn, niên hiệu Minh Mạng thứ nhất 1820, nhà vua ra chỉ dụ cấm người quản quân được bớt xén vật phẩm, tiền bạc của quân lính. Khi vua nghe thấy việc lại dịch từ Quảng Trị trở ra phần đông có thói bớt xén tiền tuất triều đình cấp cho nạn nhân liền ra dụ trách mắng, răn dạy.
Cùng năm, Trấn thủ Phiên An là Đào Quang Lý, bớt xén tiền công 9 vạn quan, bị tố cáo, triều đình bắt hạ ngục, vì có công lớn, nên miễn tội chết, nhưng tịch thu tang vật sung công. Tới tháng 3 năm 1824 được thả, bị giáng chức cho đi phát vãng chuộc tội, Đào Quang Lý lập được công lớn; tới tháng 8 năm 1825 cho làm hiệu úy vệ cẩm y, nhưng sau đó cho về hưu sớm.
Không có vùng cấm
Vào năm 1822, lý trưởng ở Quảng Nam là Đặng Văn Diên bớt xén thóc gạo cứu đói cho nạn nhân rồi bán lấy tiền, các quan Kinh phái lo việc phát chẩn tra ra, Diên bị xử chém.
Cùng năm, lính ở kho Kinh đô là Đặng Văn Khuê ăn bớt thóc xuất ra trong kho, xử tội chém. Rồi Cai đội Thị nội Bùi Văn Đệ ăn bớt thuốc súng, lại sai lính thị vệ hỗ tòng phục dịch riêng cho mình, việc phát giác đã bị kết tội trạm giam hậu (giam rồi xử chém).
Vào năm 1827, Cai đội kho Phú Nhuận ở Kinh đô là Nguyễn Văn Thắng, mài miệng bát đong gạo bằng đồng để ăn bớt gạo thóc công cũng bị giao cho Bộ Hình trị tội.
Năm 1831 Khố lại vũ khố là Hoàng Hữu Nhẫn, ăn bớt son bạc, bị tội giảo, đem đến cửa vũ khố thắt cổ, rồi chặt một bàn tay đem treo, bắt tất cả quan lại vũ khố phải đến xem làm gương. Thứ phạm là Dương Trọng Túc phạt đóng gông nặng 2 tháng, hết hạn đánh 100 hồng côn rồi phát làm lính thú ở Ai Lao.
Những sai phạm pháp luật của quan lại, hoàng thân quốc thích dưới thời Nguyễn bị xử phạt nghiêm. “Không hề có vùng cấm cho những chuyện đó. Nếu nhà nước trung ương biết việc, chắc chắn người sai phạm bị xử phạt”.
Có nhiều vụ án như vậy đã được xử, chẳng hạn, năm 1883, khi vận chuyển gạo kho ở Thuận An về kinh, Nguyễn Văn Tán cùng một số người hội ý nhau giữ bớt, thu được nhiều mà báo ít. Có người tố giác, Nguyễn Văn Tán bị tội lưu, các người liên quan cũng bị khép tội theo thứ bậc khác nhau.
(còn nữa)
Nguyễn Thành Trung