Tiêm văcxin là cách duy nhất đẩy lùi dịch Covid-19. |
Không có loại văcxin nào an toàn 100%
Ngày 8/5, Tạp chí Tia sáng (Bộ KH&CN) tổ chức tọa đàm trực tuyến hiểu đúng về văcxin Covid-19. Theo PGS Nguyễn Đức An, chuyên gia nghiên cứu về báo chí khoa học và sức khỏe tại Khoa Báo chí – Truyền thông, Đại học Bournemouth, Vương quốc Anh, thông tin về văcxin Covid-19 trên thế giới và ở Việt Nam hiện đang hỗn loạn. Trào lưu phản văcxin đang trở thành mối đe dọa lớn đối với con người. Theo Tổ chức Wellcome Trust/Gallup điều tra năm 2018 thì chỉ có 70% người Việt Nam cho rằng văcxin là an toàn, chỉ 73% người dân tin rằng văcxin là có hiệu quả. Sự bùng phát bệnh sởi những năm gần đây ở Việt Nam chính là do sự suy giảm niềm tin vào văcxin. Đây không chỉ chuyện riêng ở Việt Nam và là chuyện của thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì trào lưu phản văcxin là 1 trong 10 mối đe dọa lớn nhất thế giới về sức khỏe.
Những thông tin cho rằng văcxin không an toàn và không hiệu quả, thực tế là quan điểm rất phản khoa học, nhưng lại được nhiều người tin tưởng thực hiện theo. Việc tập trung sự chú ý vào các ca rủi ro khi tiêm văcxin đã gây nên những cách hiểu gây hoang mang, hoảng loạn cho người dân, tạo ra làn sóng sợ văcxin.
Văcxin Covid-19 dễ gây ra hoài nghi bởi tốc độ phát triển văcxin quá nhanh, chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm. Trong khi để nghiên cứu văcxin phải mất đến 5 - 7 năm. Rồi thông tin nước này dừng sử dụng văcxin, nước kia nói không với văcxin nào đó… dẫn đến sự hoang mang cho người tiếp nhận thông tin.
Nhưng khoa học đã chứng minh, văcxin là con đường thoát dịch duy nhất. Cần có 60 - 70% người dân được tiêm văcxin thì mới có thể thiết lập trạng thái bình thường. Rủi ro nguy cơ là chuyện rất bình thường của văcxin, các nguy cơ như đông máu thì chỉ có vài ca trong vài chục triệu ca là con số rất nhỏ, nguy cơ sốc phản vệ cũng vô cùng hãn hữu. Văcxin không bao giờ đạt hiệu quả đến 100% kể các các trường hợp lâm sàng hay trên thực tế, và cũng không cần thiết phải đạt được như thế. Có những loại văcxin đạt hiệu quả 50 - 60% đã có thể lưu hành được. Hiện những công nghệ toàn cầu rất phát triển, các nhà khoa học có thể kết hợp với nhau để nghiên cứu, sản xuất văcxin nên tiến độ rất nhanh, minh bạch.
Đồng quan điểm, BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, cố vấn chuyên môn cho Công ty CP Văcxin Việt Nam VNVC cho rằng, văcxin Covid-19 hiện nay có thông tin nhiễu loạn làm nhiều người sợ không dám tiêm. Điều này ảnh hưởng rất xấu đến công tác phòng chống dịch.
Tiêm văcxin là cách duy nhất thoát đại dịch Covid-19
BS Trương Hữu Khanh cho biết, thông tin về các trường hợp đông máu sau tiêm văcxin Covid-19 gần đây khiến nhiều người cho rằng văcxin không an toàn. Đây là loại tác dụng phụ mới xuất hiện cần thời gian dài nghiên cứu, đó là một câu hỏi chứ không phải là kết luận. Những ca tử vong liên quan đến tiêm văcxin trên thế giới có thể liên quan đến các yếu tố khác. Lý do là trường hợp đông máu nếu phát hiện sớm thì hoàn toàn có thể xử trí được.
Nhiều người vẫn còn lo ngại tiêm văcxin. Có những người nghĩ là mình có bị mắc virus đâu mà giờ cần phải tiêm văcxin? Thậm chí nhiều người trẻ nghĩ rằng “mình nhiễm cũng không sao, không cần tiêm văcxin”. Nếu người khỏe mạnh mắc Covid-19 thì không sao nhưng có thể lây lan cho nhiều người khác, nhất là người có bệnh nền. Có những người thậm chí là nhân viên y tế cũng không dám tiêm văcxin, vì lo ngại những rủi ro gặp phải. Nhiều người cho rằng thực hiện đúng khuyến cáo là ổn rồi, đâu cần phải tiêm văcxin...
Theo BS Trương Hữu Khanh, đó là những thông tin trôi nổi trên mạng rất phản khoa học, thậm chí nhiều người còn có nỗi sợ đi tiêm văcxin. Người dân cần phải thẩm định tin tức về văcxin. Khi nói đến nguy cơ của văcxin thì phải xem tỷ lệ rủi ro của nó như thế nào, chứ không đọc riêng về số ca. Rủi ro đó có tính ngẫu nhiên trùng lắp với tiêm văcxin hay không? Từ “phản ứng phụ không mong muốn” trong tiêm chủng văcxin thực tế chỉ là một biểu hiện hiếm gặp của văcxin.
Những người có phản ứng miễn dịch mạnh thì khi tiêm văcxin thường cảm thấy đau, mỏi, đây là điều bình thường. Người càng trẻ thì hệ miễn dịch phản ứng càng mạnh nên cảm giác đau mỏi càng lớn.
PGS.TS Lê Thị Lý, Khoa Công nghệ Sinh học, Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, theo giới chuyên gia nhận định, với tốc độ tiêm chủng 6,7 triệu liều văcxin một ngày, cả thế giới cần khoảng 4,5 năm nữa mới có thể đạt được ngưỡng miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, một số quốc gia đơn lẻ có thể đạt được miễn dịch cộng đồng ngay trong năm nay như Israel, UAE, Anh, và Mỹ. Trong khi miễn dịch cộng đồng chưa hình thành, các biến chủng mới liên tục xuất hiện và hiệu quả văcxin chưa thật sự tối ưu, điều quan trọng là phải tiếp tục tuân thủ các biện pháp bảo vệ, ngay cả đối với người đã được tiêm chủng.