Trao đổi với PV KH&ĐS về sự cố tiêm nhầm văcxin Comirnaty phòng Covid-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho 18 trẻ từ 2 đến 6 tháng tuổi tại huyện Quốc Oai, Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Viết Nhung khẳng định, đây là sự cố nghiêm trọng không được phép xảy ra.
Tại một đơn vị tiêm chủng sẽ có rất nhiều loại văcxin để tiêm cho trẻ theo lịch trình của từng lứa tuổi trong độ tuổi tiêm chủng.
Văcxin COVID-19 là văcxin được phê duyệt khẩn cấp có điều kiện. Do vậy, việc tiêm chủng văcxin phòng COVID-19 là một quy trình riêng không được lẫn với bất kỳ loại văcxin nào khác trong đơn vị tiêm chủng. Kể cả bảo quản văcxin, phân phối, xuất, nhập...đều có một quy trình riêng, nghiêm ngặt.
Việc để chung, tiêm nhầm cần phải xem lại quy trình quản lý văcxin ở trung tâm tiêm chủng này. Tiêm văcxin cho dù bận đến mấy, kể cả đang phải chống dịch như chống giặc vẫn phải tuân thủ quy trình là điều bắt buộc.
Tại Bệnh viện Phổi T.Ư trong quy trình pha đòi hỏi phải có 2 người: 1 người quan sát và 1 người thực hiện để không làm sai quy trình. Quy trình pha thuốc đúng mới đảm bảo được chất lượng cũng như tiêm chủng an toàn được.
Bộ Y tế luôn nhấn mạnh là tiêm chủng an toàn. Việc an toàn được đặt lên hàng đầu. Do đó tiêm loại gì, tiêm cho ai, tiêm như thế nào, trước khi tiêm thì sàng lọc ra sao, trong tiêm và sau khi tiêm, theo dõi như thế nào đã được quy định và tập huấn rất rõ.
Vì vậy, để sự việc đáng tiếc xảy ra như thế là khó có thể chấp nhận.
Rất may hiện nay theo thông tin là các cháu bị tiêm nhầm văcxin Pfizer đang ổn định, một số cháu sốt đã khỏi và không có cháu nào bị sốc phản vệ.
Văcxin Pfizer đã được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) phê duyệt tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Song, liều lượng tiêm chỉ bằng 1/3 của người lớn, tương đương 0,1 ml. Bao bì đóng gói và hướng dẫn sử dụng của loại văcxin Pfizer tiêm cho trẻ 5-11 tuổi cũng được hãng thiết kế riêng với màu cam để tránh nhầm lẫn.