Hút dịch 30 lần nang tuyến giáp vẫn to
Anh N.V.T. (57 tuổi, Hà Nội) được chẩn đoán bướu giáp nhân 3 năm. Anh đã đi chọc hút dịch tuyến giáp gần 30 lần ở nhiều bệnh viện khác nhau. Gần đây, sau hút khoảng 2 - 3 ngày bướu giáp to lại như cũ và căng cứng...
Tại Bệnh viện Nội tiết T.Ư, sau khi được chẩn đoán bướu cổ độ II, nhân thùy phải cho kích thước 63x32x67mm, mật độ mềm, di động, ấn không đau, các bác sĩ đã chỉ định thủ thuật hút dịch và tiêm ethanol tuyệt đối dưới hướng dẫn siêu âm để tránh tình trạng bướu giáp to trở lại. Kết quả sau khi hút ra 75ml dịch máu trong nang giáp đồng thời được bơm cồn tuyệt đối vào nang, khối nang giáp có kích thước giảm xuống chỉ còn 27x21x40mm.
Lượng dịch hút ra từ nang giáp của bệnh nhân. |
TS.BS Lê Việt Hà, Trưởng khoa Bệnh lý tuyến giáp, Bệnh viện Nội tiết T.Ư cho biết, bướu tuyến giáp là tổn thương dạng khối khu trú trong tuyến giáp, đây là một bệnh lý khá phổ biến, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho vài trăm ca. Điều đó cho thấy số lượng bệnh nhân mắc u nang giáp, bướu nhân tuyến giáp khá cao và đang có xu hướng gia tăng, nhiều gia đình có 2 – 3 người bị bệnh. Nhiều trường hợp khi nhập viện khối u đã quá lớn và bắt buộc phải tiến hành thủ thuật hút dịch kèm điều trị hỗ trợ nhiều lần để làm giảm sự phát triển của khối u nang. Với thủ thuật hút dịch và tiêm cồn ethanol sẽ giúp người bệnh giảm chi phí so với phẫu thuật thông thường.
Hiện nguyên nhân gây bướu giáp chưa được chẩn đoán rõ ràng, nhưng những nhóm đối tượng như người trên 60 tuổi, phụ nữ, viêm giáp mạn tính gây suy giáp, thiếu iốt; nhiễm trùng; sử dụng thuốc trầm cảm…; do gene; bệnh lý tuyến yên... có nguy cơ mắc bệnh cao hơn...
Phần lớn bướu tuyến giáp là nhân hỗn hợp gồm cả phần dịch và phần đặc. Theo thời gian nang tuyến giáp có thể thu nhỏ kích thước. Nếu nó không lớn lên và gây ra bất kỳ triệu chứng nào thì có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, nó có thể gây ra biến chứng là chảy máu trong nang làm cho nang tăng kích thước gây đau tại chỗ, khó nuốt, khó thở hoặc ảnh hưởng đến thẩm mỹ, gây lo lắng cho người bệnh thì bệnh nhân nên được điều trị.
Tiêm cồn dưới hướng dẫn của siêu âm. |
Bảo tồn được chức năng tuyến giáp
Theo TS.BS Lê Việt Hà, có nhiều phương pháp điều trị bệnh lý nang tuyến giáp như: phẫu thuật, tiêm cồn, sóng cao tần, dùng thuốc hormon giáp... Tùy theo biểu hiện bệnh mà lựa chọn phương pháp cho phù hợp. Chẳng hạn, với nang có dịch thì tiêm cồn là tốt nhất; Nang nhân đặc thì sóng cao tần có hiệu quả cao hơn. Việc dùng hormon giáp có thể khiến khối u nhỏ đi nhưng chỉ khoảng 20% giảm được khối u nang tuyến giáp do vậy việc dùng thuốc hầu như không có hiệu quả mà bắt buộc phải sử dụng thủ thuật để điều trị nang giáp.
Phương pháp tiêm cồn ethanol sẽ khiến khối u sẽ nhỏ lại mà không cần phải phẫu thuật. Với cơ chế cồn tuyệt đối làm hoại tử do đông máu và huyết khối tĩnh mạch nhỏ, gây mất nước tế bào và đông vón protein dẫn đến hoại tử tế bào, tiêu diệt tế bào chế tiết dịch và xơ hóa mô tiếp xúc ethanol.
Nổi bật với nhiều ưu điểm như dễ thực hiện; hậu phẫu nhẹ nhàng và rất an toàn, không hề ảnh hưởng đến chức năng tuyến giáp. Thông qua màn hình siêu âm, các kỹ thuật viên sẽ hút dịch sạch trong khoang khối u và sử dụng biện pháp tiêm cồn. Suốt quá trình thực hiện còn lại, kỹ thuật viên sẽ sử dụng đầu dò siêu âm và giữ kim. Vì không phải tiến hành phẫu thuật nên bệnh nhân hoàn toàn tỉnh trong lúc làm thủ thuật, sau thủ thuật không để lại sẹo, bệnh nhân không bị chảy máu, chi phí điều trị thấp.