<div> <div><img alt="Trang Weatheronline cho thấy chỉ số tia UV ở TPHCM trong những ngày này luôn ở mức 11 (ảnh chụp màn hình)." data-original="http://giadinh.mediacdn.vn/2019/3/27/tia-uv-tp-hcm-1553701412582465240518.png" src="https://khds.1cdn.vn/2019/03/28/tia-uv-tp-hcm-1553701412582465240518.png" /></div> <div> <p>Trang Weatheronline cho thấy chỉ số tia UV ở TPHCM trong những ngày này luôn ở mức 11 (ảnh chụp màn hình).</p> </div> </div> <p><strong>Phơi da dưới trời nắng 10 phút, tia UV mức 11, có thể bỏng ngay</strong></p> <p>TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ đang trải qua những ngày nóng nắng cực độ, nhiệt độ thường xuyên ở mức 38 độ C. Chuỗi ngày này dự kiến vẫn kéo dài vài ngày tới. Trang Weatheronline (Anh) ngày 27/3, cho biết chỉ số tia UV tại TPHCM đạt mức 11, thấp hơn 1 mức cực đại (12/12) so với ngày 26/3. Những ngày tới, dự báo chỉ số tia UV luôn ở mức cao nhất là 11.</p> <p>Còn tại Hà Nội, trang Weatheronline cho biết, chỉ số tia UV của Thủ đô Việt Nam ở mức 8. Mức này sẽ duy trì đến ngày 30/3; tới ngày 31/3, con số sẽ là 9.</p> <p>Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, chỉ số UV là 11 trở lên, thời gian gây bỏng là 10 phút. Với mức UV 8-10, thời gian gây bỏng là 25 phút. Nhiều bác sĩ da liễu cảnh báo chỉ số tia UV ở mức 12 như 26/3 tại TPHCM và các tỉnh Đông Nam Bộ là mức cực đại, rất nguy hiểm cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ em. Nếu tiếp xúc lâu trong nhiệt độ cao, tia UV lớn, chúng ta rất dễ gặp tình trạng say nắng (sốc nhiệt). BS Lương Quốc Chính - Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, say nắng có thể gây tổn hại cho não và các cơ quan nội tạng khác trong cơ thể, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ gặp nguy hiểm đến tính mạng.</p> <p>PGS.TS Lê Hữu Doanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, tia UV trong ánh sáng mặt trời có thể phá hủy các tế bào da. Ngoài ra, các biểu hiện khác do tiếp xúc quá nhiều với ánh sáng mặt trời chứa tia cực tím phổ biến như bỏng nắng, đỏ da, tăng sắc tố, nếp nhăn, khô da hoặc nặng hơn là ung thư da.</p> <p>“Khoảng hơn 90% các dấu hiệu ung thư da xuất hiện ở vùng da tiếp xúc với ánh nắng như đầu, mặt, môi, tai, cổ, ngực, cánh tay, bàn tay và cẳng chân ở phụ nữ”, PGS.TS Lê Hữu Doanh nói.</p> <p>Bức xạ UV và các bức xạ khác còn có thể gây các bệnh về mắt (đục thủy tinh thể, thoái hóa hoàng điểm)... Trẻ em và người già là nhóm cần được bảo vệ trước hiện tượng thời tiết cực đoan, bởi ngoài tác động của tia UV thì thời tiết nắng nóng rất dễ khiến người lớn tuổi và trẻ em mắc bệnh.</p> <p><strong>Dấu hiệu cảnh báo tiền ung thư da</strong></p> <p>“Thói quen thích tắm nắng, hoặc làm việc quá nhiều dưới ánh nắng mặt trời có thể gây nên sự phá hủy làn da của bạn", PGS.TS Lê Hữu Doanh nói.</p> <p>Theo PGS.TS Lê Hữu Doanh, dày sừng ánh nắng thường xuất hiện ở vùng da cơ thể thường xuyên tiếp xúc với ánh sáng mặt trời như vùng mặt, da đầu, mặt duỗi cẳng tay, mu tay. Lúc đầu, bệnh biểu hiện như là một dát màu hồng, rám hoặc đôi khi không có thay đổi nào về màu sắc, bề mặt thô, khô, có ít vảy da .</p> <p>Bệnh thường xuất hiện ở người da sáng màu và trên 40 tuổi, đặc biệt có nhiều năm tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Ở một số nước với khi hậu nóng và nắng nhiều, 50% người da sáng màu (chủ yếu là người da trắng) có thể xuất hiện tổn thương dày sừng ánh nắng.</p> <p>Tuy nhiên, dày sừng ánh nắng cũng có thể xuất hiện ở người da sẫm màu. “Đôi khi, tổn thương dày sừng ánh nắng cũng gặp ở người trẻ tuổi do phải tiếp xúc nhiều và thường xuyên với ánh nắng mặt trời”, PGS.TS Lê Hữu Doanh cho hay.</p> <p>Vậy tại sao cần phải chẩn đoán và điều trị bệnh dày sừng ánh nắng? PGS.TS Lê Hữu Doanh lý giải, tiếp xúc với ánh sáng mặt trời quá nhiều có thể gây hại cho làn da của bạn. Qua thời gian, tia UV có trong ánh sáng mặt trời có thể phá hủy các tế bào da của bạn. Sự phá hủy này có thể dẫn đến bệnh dày sừng ánh nắng, đôi khi tiến triển thành ung thư tế bào gai. “Ung thư tế bào gai có thể lan rộng, xâm lấn hoặc di căn. Điều này giải thích tại sao cần chẩn đoán sớm và điều trị dày sừng ánh nắng”, PGS.TS Lê Hữu Doanh nói.</p> <p>Ánh nắng mặt trời mạnh và có hại nhất vào lúc 10-15h. Do đó, bạn không nên hoặc hạn chế làm việc, đi lại ngoài trời trong khoảng thời gian này. Đây là thời điểm ánh nắng mặt trời chứa rất nhiều tia cực tím (tia UV), đặc biệt là tia UVA và UVB. Nếu buộc ra ngoài, cần bảo vệ da bằng cách thoa kem chống nắng, mang kính râm, đội mũ rộng vành, mặc quần áo dài tay che kín toàn thân...</p> <p>Riêng trẻ em cần được chú ý bảo vệ phòng chống tác hại của tia UV hơn người trưởng thành để hạn chế tích lũy lâu dài của các nguy cơ phơi nhiễm UV trong mùa nắng.</p> <div> <p><strong>Để hạn chế tác hại của tia UV, người dân cần:</strong></p> <p>- Tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng, đặc biệt vào thời điểm mà nhiều ánh nắng nhất trong ngày (từ 10h đến 16h).</p> <p>- Sử dụng chất chống nắng có chỉ số chống nắng (SPF) từ 15 trở lên. Bôi chất chống nắng ít nhất 15 đến 30 phút trước khi ra ngoài. Sau 2 tiếng bôi lại, bôi cả khi trời có mây.</p> <p>- Sử dụng các chất chống nắng phổ rộng có thể bảo vệ chống lại tia UV.</p> <p>- Khi ra ngoài, cần đội mũ rộng vành và mặc quần áo dài để hạn chế tiếp xúc với ánh nắng.</p> </div>