Ông là "bệnh nhân 8963", có tiền sử khỏe mạnh, làm thủy thủ trên tàu đánh cá trở về từ Ấn Độ. Tại thời điểm tàu cập cảng, bệnh nhân cùng hai người khác trong đoàn có biểu hiện ho sốt, tức ngực.
Kết quả xét nghiệm dương tính với nCoV, ông đã được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM điều trị, ngày 27/5.
Tại khoa Nhiễm D, bệnh nhân được điều trị kháng sinh truyền tĩnh mạch, thở oxy. Sau hai ngày điều trị, bệnh nhân khó thở tăng dần, được chuyển khoa Hồi sức tích cực Người lớn, can thiệp thở oxy lưu lượng cao. Tuy nhiên, tình trạng hô hấp ngày càng xấu đi.
Một ngày sau đó, các bác sĩ quyết định đặt ống nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy chế độ bảo vệ phổi với an thần sâu, giãn cơ và kháng sinh tích cực.
Cùng ngày hôm đó, sau khi theo dõi sát sao từng giờ, đánh giá tỉ mỉ và toàn diện bệnh, các bác sĩ nhận định, tình trạng viêm phổi tiến triển nặng hơn rất nhanh. Phổi hai bên người bệnh đông đặc hơn một nửa, đông máu rối loạn nặng nề với D-dimer (xét nghiệm sinh hóa chẩn đoán huyết khối trong máu) lên đến trên 20.000 ng/ml (bình thường chỉ dưới 500 ng/ml). Tiên lượng của bệnh nhân rất xấu. Đây chính là biểu hiện của cơn bão Cytokine do Covid-19, bệnh cảnh vô cùng nặng nề và sẽ gây tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Ngay lập tức, các bác sĩ đã hội chẩn với tiểu ban điều trị Covid-19, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP HCM. Theo chỉ đạo, bệnh nhân được tiến hành đặt catheter (ống thông) tĩnh mạch đùi, lọc máu liên tục với máy lọc nhằm hấp phụ Cytokine, tác nhân gây tổn thương phổi.
Đến ngày 2/6, sau hai lần lọc máu hấp phụ Cytokine, 5 ngày thở máy và chăm sóc tích cực tại khoa Hồi sức tích cực Người lớn, bệnh nhân đã có những tiến triển hết sức rõ rệt. Trong đó, chức năng phổi cải thiện tốt, chỉ số oxy máu phục hồi đáng kể. Chỉ số rối loạn đông máu D-dimer từ hơn 20.000 ng/ml giảm còn 11.490 ng/ml, rồi 3.930 ng/ml sau hai ngày tiếp theo.
Theo các bác sĩ, đây là những tín hiệu vô cùng khả quan, "bệnh nhân đã vượt qua thời điểm nguy kịch của lằn ranh sinh - tử", dù rằng quãng đường hồi phục còn dài và nhiều cam go.
Đến 14/6, người đàn ông lần đầu tiên tỉnh lại. Sáng 16/6, trải qua 19 ngày thở máy, hai lần lọc máu và gần một tháng được chăm sóc tích cực, bệnh nhân đã được ngưng máy thở, tập vận động phục hồi chức năng với đội ngũ vật lý trị liệu.
Nhờ tập luyện tích cực cùng các bác sĩ và điều dưỡng, ngày 18/6, bệnh có thể tự thở khí trời, ho khạc tốt, được rút canuyn khí quản. Chiều cùng ngày, ông tự đứng lên tại giường và bắt đầu bước đi bằng chính đôi chân của mình, kết thúc chuỗi 21 ngày nguy kịch.
Đến 21/6, bệnh nhân hoàn toàn ổn định về sức khỏe, thể trạng và tinh thần rất tốt.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo, trưởng khoa Hồi sức tích cực Người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới chia sẻ, bệnh nhân tương đối trẻ tuổi, không có bệnh nền và có nền tảng sức khoẻ khá tốt. Tuy nhiên, người bệnh nhập viện trong bệnh cảnh cấp tính, nặng nề và điển hình của tình trạng viêm phổi do nCoV.
Theo bác sĩ Hảo, Covid-19 nguy hiểm ở chỗ nó không chỉ diễn tiến nặng ở những người già, yếu, mà có thể gây tử vong nhanh ở cả những bệnh nhân trẻ, khỏe. Việc điều trị những ca này giống như "chạy đua với thần chết". Để có thể được cứu sống người bệnh, các y, bác sĩ phải theo dõi diễn tiến bệnh kỹ càng, can thiệp kịp thời, chăm sóc tích cực và hết sức sát sao.
"Vào lúc dịch bệnh đang diễn tiến phức tạp, sự hồi phục của bệnh nhân là nguồn động viên, khích lệ tinh thần quý giá nhất đối với tập thể cán bộ y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM", bác sĩ Hảo nói.
Trước đó, vào sáng 12/6, cơ sở này phát hiện ba ca nghi nhiễm là nhân viên bệnh viện. Bệnh viện đã phong toả toàn bộ vào chiều cùng ngày. Đến nay, chuỗi lây nhiễm tại đây ghi nhận khoảng 60 ca là nhân viên, chủ yếu tại các khối hành chính - hậu cần, ngoài ra còn có 7 ca khác là F1, người trong gia đình của các trường hợp này.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM là đơn vị y tế tuyến đầu trong chăm sóc và điều trị các bệnh truyền nhiễm ở khu vực phía nam, với 550 giường bệnh. Hồi đầu tháng 6, Sở Y tế quyết định chuyển công năng bệnh viện thành nơi chuyên điều trị bệnh nhân Covid-19, với 400 giường.